Thực hiện nghĩa vụ được chia theo phần là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Nghĩa vụ phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ có thể chia thành nhiều phần để thực hiện

1.Căn cứ pháp lý

Trong quan hệ nghĩa vụ, có trường hợp đối tượng của quan hệ có thể chia thành nhiều phần. Căn cứ vào tính chất đó của đối tượng, mà pháp luật cho phép bên có nghĩa vụ được thực hiện nghĩa vụ theo phần. Điều 290 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ được chia theo phần như sau:

Điều 290. Thực hiện nghĩa vụ phân chia được theo phần
1. Nghĩa vụ phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ có thể chia thành nhiều phần để thực hiện.
2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện từng phần nghĩa vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

2.Nội dung

Pháp luật ghi nhận cho các bên được tự do thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ, theo đó, nghĩa vụ có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần. Tuy nhiên, không trong mọi quan hệ nghĩa vụ đều có thể phân chia thành nhiều giai đoạn để thực hiện. Việc phân chia quan hệ nghĩa vụ được thực hiện nhiều lần phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của đối tượng trong quan hệ đó. Cụ thể, là đối tượng của quan hệ đó phải là đối tượng có thể chia được. Đối tượng của quan hệ nghĩa vụ bao gồm:
-Một là vật. Nếu là vật, thì vật đó phải tồn tại dưới hình thức chia được. Tức khi vật đó bị chia làm nhiều phần thì tính năng, công dụng, giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Ví dụ: A mua trả góp chiếc điện thoại trị giá 20 triệu đồng, số tiền trả góp hàng tháng là 2 triệu đồng; trong trường hợp này A đang thực hiện nghĩa vụ phân chia theo phần, vì 20 triệu có thể chia nhỏ thành nhiều phần, khi A thực hiện trả tiền thành nhiều lần không làm giảm sút giá trị của số tiền ban đầu. Tuy nhiên, cùng xem xét đến trường hợp A cho B thuê một chiếc bình cổ trong thời hạn 10 ngày, sau 10 ngày đó B có trách nhiệm trả chiếc bình lại cho A; vậy, khi đến hạn B phải trả chiếc bình cho A mà không thể chia làm nhiều lần để thực hiện, vì chiếc bình không thể chia làm nhiều phần, nếu nó được chia ra thì sẽ không còn giá trị nữa. Do đó, việc xác định vật có chia được hay không có vai trò vô cùng quan trọng. Pháp luật quy thực hiện nghĩa vụ có đối tượng là vật được chia theo phần  nhằm, tạo điều kiện cho bên có nghĩa vụ có thể thuận lợi thực hiện nghĩa vụ của mình. Như trong ví dụ trên A không đủ khả năng một lúc bỏ ra 20 triệu để mua điện thoại, do đó, quyền được thực hiện nghĩa vụ theo phần tạo điều kiện cho A có thể mua được chiếc điện thoại mà không phải chịu áp lực về giá cả. 
-Hai là công việc. Nếu là công việc, thì công việc này cũng phải tồn tại ở tình trạng có thể thực hiện thành nhiều lần khác nhau, mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc đó. Khi đó, bên có nghĩa vụ có thể chia công việc thành nhiều lần khác nhau để thực hiện. Ví dụ: A thỏa thuận với B về việc xây dựng một căn biệt thự; theo đó, A có thể chia căn biệt thự thành nhiều hạng mục khác nhau để thực hiện trong thời hạn đã thỏa thuận với B; vì bản chất của công việc xây dựng là không thể thực hiện trong một lần, nó bắt buộc phải chia làm nhiều lần mới có thể thực hiện được. Cũng có đối tượng là công việc tuy nhiên, trong hợp đồng vận chuyển hành khách, nếu A thỏa thuận chở B từ Hà Nội đến Bắc Giang thì đây là công việc không thể chia được; vì công việc vận chuyển này phải thực hiện liền mạch vào một thời điểm nhất định, bên vận chuyển không thể chia nhỏ công việc vào các khoảng thời gian khác nhau để thực hiện. Quy định, này phù hợp với tính chất của công việc, có những công việc nhất định phải thực hiện làm nhiều lần thì bên có nghĩa vụ mới có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình, và đem lại lợi ích cho bên có quyền.
Nếu đối tượng của quan hệ nghĩa vụ được xác định là vật, công việc có thể chia được thì bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ theo từng phần, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây là nguyên tắc của pháp luật giúp xác định cách thức thực hiện nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ trước bên có quyền[1]. Việc chia nhỏ đối tượng thực hiện nghĩa vụ là quyền của bên mang nghĩa vụ, miễn rằng bên mang nghĩa vụ đảm bảo mang lại quyền, lợi ích cho bên có quyền. Do đó, họ có thể thực hiện nghĩa vụ chia theo phần nếu muốn. Pháp luật tôn trọng ý chí của các bên trong các quan hệ dân sự, vì vậy nếu các bên có thỏa thuận khác về việc thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật cũng tôn trọng và bảo vệ.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

[1]PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,(2017), “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2017 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb.Công an nhân dân

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư