Tình hình thực hiện hoạt động Chuyển giao công nghệ tại Việt Nam?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:13 (GMT+7)

Tình hình thực hiện hoạt động Chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

1. Khái niệm chuyển giao công nghệ

Theo Khoản 7 Điều 2 Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 quy định về khái niệm chuyển giao công nghệ như sau:

7. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ: là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ: tổ chức, cá nhân cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình.

2. Tình hình thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

Hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) tại Việt Nam ngày càng trở lên phong phú và đa dạng và có thể chuyển giao theo nhiều phương thức khác nhau, bao gồm: CGCN trực tiếp thông qua mua máy móc, thiết bị để được chuyển giao quy trình sản xuất hay CGCN gián tiếp qua liên kết ngang, liên kết xuôi, liên kết ngược. Tùy theo quy mô và mục đích của doanh nghiệp hay tuỳ theo loại hình của doanh nghiệp sẽ có lựa chọn cách thức chuyển giao công nghệ phù hợp, hiệu quả giúp doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về quy mô, đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, CGCN chủ yếu đến từ mua thiết bị kèm theo công nghệ và lan toả công nghệ từ một doanh nghiệp trong nhóm. Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và doanh nghiệp lớn, kênh CGCN đa dạng hơn. Tuỳ từng dự án, từng giai đoạn sản xuất, hoạt động CGCN có thể có được nhờ mua thiết bị, mua công nghệ và lao động có kỹ năng di chuyển đến, mà còn có khả năng thu được công nghệ từ các nhà cung cấp và khách hàng.

Về loại hình, các DN cổ phần chủ yếu thực hiện CGCN kèm thiết bị. Những DN này cùng với hợp tác xã, các DN tư nhân và DN 100% vốn nước ngoài có xu hướng CGCN nguồn từ các nhà cung cấp ở một mức độ lớn hơn so với các loại hình DN khác. Các liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước chủ yếu dựa vào mua công nghệ hơn các loại hình DN khác.

Cụ thể về tình hình hoạt động CGCN tại Việt Nam theo các hình thức như sau:

a. Hoạt động chuyển giao công nghệ trực tiếp

Hoạt động CGCN trực tiếp là hoạt động chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo một trong các công nghệ sau:

- Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

Thời gian qua, nhiều hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua mua bán máy móc, dây chuyền sản xuất như: thăm dò khai khác dầu khí, điện tử - viễn thông, sản xuất và lắp ráp ô tô… được thực hiện đã tạo ra nhiều ngày nghề, sản phẩm mới có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng đáng kể năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Hiện nay chưa có thống kê nào thể hiện hoặc tách được phần công nghệ gắn kèm với các máy móc, thiết bị, tuy nhiên số liệu về nhập máy móc, thiết bị cũng cho ta thấy phần nào việc nhập công nghệ kèm theo.

Việc thực hiện CGCN theo hình thức mua công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị là kênh phổ biến, được thực hiện tại hầu hết các doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Song thực tế, các công nghệ nhập khẩu qua máy móc, thiết bị sẽ đáp ứng nhu cầu dựa trên điều kiện vật lực và nhân lực của bản thân doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (chiếm khoảng 96%), số vốn đầu tư cho hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ ở mức thấp (chỉ khoảng 1,5% doanh thu, trong khi ở các nước tiên tiến trong khu vực là 5-10%). Thậm chí, với kinh nghiệm non kém và thiếu thông tin mà doanh nghiệp phải nhập công nghệ lạc hầu ở mức giá cao. Vì vậy, năng lực sản xuất và công nghệ ứng dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

b. Hoạt động CGCN gián tiếp

Hoạt động CGCN gián tiếp thường được kỳ vọng đến từ sự tương tác với các DN có vốn nước ngoài hay khách hàng quốc tế, qua đó khuyến khích CGCN tới các DN trong nước. CGCN gián tiếp còn được gọi là lan tỏa công nghệ.

Tác động lan toả công nghệ của doanh nghiệp có vốn nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước có thể theo 4 kênh cơ bản:

- Tác động do tương tác đầu ra – đầu vào giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, xuất hiện nhờ liên kết xuôi – CGCN từ nhà cung cấp hoặc/và liên kết ngược – CGCN từ khách hàng;

- Tác động nhờ phổ biến và CGCN giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước;

- Tác động nhờ học hỏi, vận dụng các phương pháp quản lý hiệu quả dẫn đến tăng năng lực cạnh tranh;

- Tác động nhờ nâng cao trình độ lao động trong quá trình được đào tạo và học hỏi kiến thức, kỹ năng từ DN FDI.

Hoạt động CGCN theo liên kết xuôi là sự tương tác giữa DN ở trong nước với các nhà cung cấp đầu vào, hàng hóa trung gian nước ngoài. Bằng việc mua đầu vào từ DN nước ngoài có trình độ công nghệ cao hơn và kèm theo dịch vụ hoặc các hình thức hỗ trợ khác, các DN trong nước sẽ được chuyển giao kiến thức, quy trình và công nghệ. Đối với CGCN theo liên kết ngược luôn được các nước đang phát triển rất quan tâm và là một mục tiêu quan trọng của chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Qua liên kết ngược, DN trong nước kỳ vọng sẽ được chuyển giao kiến thức, quy trình và công nghệ mới để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu vào, hàng hóa trung gian cung cấp cho khách hàng. Dù dưới kênh CGCN nào, ngay từ những năm đổi mới, việc thực hiện mở cửa đầu tư trực tiếp nước ngoài kỳ vọng luồng công nghệ mới sẽ theo cùng với dòng vốn phát triển mặt bằng công nghệ Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quá trình mở cửa nền kinh tế, với sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và sự phát triển về khoa học công nghệ, sự lan toả công nghệ có thể thực hiện theo liên kết ngang. Theo cách này, về bản chất là sự học hỏi kiến thức, quy trình, công nghệ từ đối thủ cạnh tranh đến từ trong và ngoài nước, phần lớn đối với DN trong nước cùng ngành. Trước áp lực cạnh tranh, các DN trong nước phải cải tiến công nghệ qua học hỏi từ đối thủ và đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể bắt chước hay ứng dụng những công nghệ tiên tiến hơn mà doanh nghiệp nước ngoài đưa vào sử dụng.

Sự CGCN theo chiều ngang cũng có thể đến khi có sự tương tác giữa DN có vốn nước ngoài với lực lượng lao động trong nước thông qua hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, sau đó có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về công nghệ và chuyển giao công nghệ

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư