2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Khi thỏa thuận mua bán tài sản, bên bán phải giao cho bên mua vật đúng với tính chất, đặc điểm, và điều kiện khác về tài sản như đã thỏa thuận. Việc giao tài sản mà không đáp ứng các yêu cầu đó bị xem là hành vi vi phạm do giao vật không đúng chủng loại và bên bán phải chịu trách nhiệm dân sự. Cụ thể, Điều 439 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm do giao vật không đúng chủng loại như sau:
“Điều 439. Trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại
Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.
2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại”
Chủng loại của tài sản được xem xét dựa trên cơ sở đặc điểm, tính chất của tài sản đó có giống với những nội dung mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng hay không. Nếu việc giao tài sản không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng thì gọi là giao tài sản không đúng chủng loại. Ví dụ: Hợp đồng thỏa thuận mua bán sản phẩm là bột mì nhưng bên bán lại giao bột yến mạch. Việc giao tài sản không đúng chủng loại của tài sản bị xem là hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên bán trong hợp đồng, do đó, họ phải chịu trách nhiệm dân sự nhất định. Căn cứ vào quy định trên có thể thấy, khi bên bán giao tài sản không đúng chủng loại đã thỏa thuận, thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
-Một là, nhận và thanh toán theo giá mà các bên đã thỏa thuận. Đây là trường hợp mà bên mua chấp nhận tài sản bên bán giao. Tuy nhiên, sản phẩm này không phải là sản phẩm ban đầu mà các bên đã thỏa thuận, vì vậy các bên phải thanh toán giá tài sản cho phù hợp với lợi ích của các bên. Giá của tài sản không đúng chủng loại ban đầu có thể cao hơn hoặc thấp hơn, tùy vào trường hợp cụ thể mà các bên thỏa thuận thanh toán tiền lớn hơn hoặc ít hơn với nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp này bên mua đã chấp nhận tài sản mà bên bán giao, do đó, về cơ bản lợi ích của bên mua không bị ảnh hưởng, họ vẫn có thể tìm kiếm lợi ích từ tài sản mà bên bán giao, nên bên bán không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
-Hai là, yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại. Việc chấp nhận tài sản bên bán giao là sự lựa chọn của bên mua, còn về cơ bản bên bán vẫn bị xem là đã vi phạm nghĩa vụ. Chính vì vậy, bên mua hoàn toàn có quyền yêu cầu bên bán phải giao tài sản đúng chủng loại cho mình. Bởi trước khi giao tài sản, các bên đã có thỏa thuận về tài sản mua bán, bên bán đồng ý giao kết hợp đồng tức họ hoàn toàn chủ động trong trường này, không có sự ép buộc của bất kỳ một ai, họ cho rằng mình có đủ điều kiện giao tài sản đó thì mới đồng ý giao kết hợp đồng. Vậy nên, việc giao sai tài sản đã thỏa thuận là lỗi của họ, ngoài việc phải giao đúng tài sản cho bên mua, họ còn cần phải bồi thường thiệt hại cho bên mua. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại có thể tùy vào từng trường hợp cụ thể, nhưng về cơ bản có thể xem xét đến yếu tố do thời hạn giao hàng chậm khiến cho lợi ích của bên mua bị sụt giảm,…Thông thường, bên mua chỉ áp dụng biện pháp này khi việc giao chậm tài sản vẫn đáp ứng lợi ích cho họ, tức khi bên mua giao lại tài sản vẫn kịp để bên mua sử dụng vào mục đích họ đặt ra khi tham gia giao kết hợp đồng.
-Ba là, hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất, việc giao tài sản không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích khi tham gia hợp đồng, thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, bên mua chỉ được quyền xem xét hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi việc giao tài sản không đúng chủng loại khiến cho họ không thể đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng. Khi giao kết bất kỳ một hợp đồng nào, mục đích mà các bên hướng đến chính là cơ sở cho việc hình thành hợp đồng, nhưng trong trường hợp vì lỗi của một bên mà bên còn lại không thể thỏa mãn được lợi ích của mình thì bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Trên cơ sở xác định giá trị mà hợp đồng đem lại cho bên mua, mà định giá mức bồi thường thiệt hại bên bán phải chịu.
Bên cạnh đó, có trường hợp đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa gồm nhiều chủng loại khác nhau, theo nguyên tắc bên bán phải giao đúng tất cả chủng loại hàng đã cam kết thỏa thuận. Nếu mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bởi chỉ phần hợp đồng liên quan đến tài sản giao sai mới vi phạm nghĩa vụ, phần còn lại vẫn thực hiện đúng thì vẫn được xem là có hiệu lực pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của cả bên mua và bên bán. Theo đó, các bên vẫn đạt được lợi ích với phần hợp đồng thực hiện đúng mà không cần phải hủy bỏ cả hợp đồng, đồng thời bên bán cũng chỉ phải bồi thường thiệt hại một phần.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh