Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong hợp đồng hợp tác được tiến hành như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:21 (GMT+7)

Trường hợp các thành viên hợp tác cử người đại diện thì người này là người đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

1.Căn cứ pháp lý

Trong quá trình thực hiện công việc hợp tác chung có thể sẽ phát sinh các giao dịch dân sự phục vụ cho lợi ích của công việc đang thực hiện. Với sự tham gia của nhiều thành viên, nên để tránh xung đột lợi ích việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong hợp đồng hợp tác phải được tiến hành theo nguyên tắc chung của pháp luật. Cụ thể, Điều 508 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong hợp đồng hợp tác như sau:

Điều 508. Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự
1. Trường hợp các thành viên hợp tác cử người đại diện thì người này là người đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Trường hợp các thành viên hợp tác không cử ra người đại diện thì các thành viên hợp tác phải cùng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Giao dịch dân sự do chủ thể quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này xác lập, thực hiện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của tất cả thành viên hợp tác”

2.Nội dung

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi nhuận và cùng chịu trách nhiệm. Pháp luật không quy định giới hạn số thành viên trong một nhóm hợp tác, tùy vào quy mô, tính chất của công việc cần thực hiện mà số lượng thành viên có thể nhiều hoặc ít. Công việc mà các bên phải thực hiện khi tham gia giao kết hợp đồng có thể là hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo hoa lợi, lợi tức. Hoa lợi, lợi tức đó được chia đều cho các thành viên và đó cũng chính là mục đích chủ thể hướng đến khi tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, để tạo ra được lợi nhuận các thành viên phải cùng nhau thực hiện những công việc nhất định được quy định trong hợp đồng. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh không tránh khỏi việc phát sinh các giao dịch dân sự liên quan. Lúc này vấn đề đặt ra trong số các thành viên ai là người có thẩm quyền xác lập, thực hiện giao dịch đó? Chính vì vậy, để tránh việc xảy ra tranh chấp pháp luật đã quy định việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua hai cách sau:
-Một là, xác lập, thực hiện thông qua người đại diện. Nhóm hợp tác chỉ đơn thuần là sự liên kết, hợp tác cùng nhau thực hiện công việc, chứ không phải là một tổ chức kinh tế và không có tư cách pháp nhân. Do đó, để thuận tiện hơn khi tham gia vào các giao dịch dân sự các thành viên có thể cử một người đại diện. Để đảm bảo tính pháp lý cũng như đảm bảo người đại diện thực hiện công việc đại diện đúng thẩm quyền, việc ủy quyền đại diện có thể được lập thành văn bản. Hoặc các thành viên cũng có thể biểu quyết chọn một người đại diện theo quy định pháp luật. Khi đã có người đại diện thì người đại diện sẽ xác lập, thực hiện giao dịch. Việc xác lập, thực hiện giao dịch thông qua người đại diện sẽ thuận tiện hơn, công việc được tiến hành nhanh hơn.
-Hai là, xác lập giao dịch thông qua toàn bộ các thành viên hợp tác. Pháp luật không bắt buộc nhóm hợp tác phải cử người đại diện. Việc cử người đại diện là quyền của mỗi tổ hợp tác, do đó, tổ hợp tác có thể có đại diện hoặc không. Trong trường hợp không có đại diện thì việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải thông qua tất cả các thành viên hợp tác. Mối thành viên với tư cách là một bên trong giao dịch, cùng có các quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc xác lập, thực hiện giao dịch. Việc đòi hỏi phải thông qua toàn bộ các thành viên hợp tác khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Mỗi bên có thể có phần vốn góp ít hoặc nhiều nhưng họ đều có chung lợi ích khi tham gia giao kết hợp đồng, việc định đoạt bất kỳ vấn đề nào mà không có đầy đủ sự nhất trí của tất cả các thành viên là đang xâm phạm đến lợi ích của họ. Điều đó sẽ dẫn đến tranh chấp sau này. 
Các giao dịch do người đại diện theo ủy quyền hoặc do tất cả các thành viên xác lập làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của tất cả các thành viên hợp tác. Bởi trong hợp đồng hợp tác, quyền và nghĩa vụ của các thành viên là như nhau. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự làm phát sinh quyền và nghĩa vụ nhất định với tổ hợp tác, trong đó các thành viên phải cùng nhau thực hiện nghĩa vụ đó và cùng nhau hưởng lợi ích, đồng thời cùng nhau chịu trách nhiệm dân sự nếu xâm phạm đến lợi ích của bên kia. Đây chính là bản chất của hợp đồng hợp tác.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư