2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Khi Nhà nước thu hồi đất, thiệt hại xảy ra là điều không tránh khỏi. Thiệt hại do bị xáo trộn cuộc sống, mất công ăn việc làm, thiệt hại về tài sản trên đất,… Vì vậy, khi thu hồi đất vì lý do quốc phòng-an ninh hay phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước cần phải bồi thường thoả đáng cho người sử dụng đất. Vậy bồi thường đất là gì? Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm những nguyên tắc nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Căn cứ tại Khoản 12, Điều 03, Luật đất đai 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai năm 2013) quy định như sau:
"12. Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất".
Theo quy định của pháp luật đất đai, trách nhiệm được đặt ra khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng-an ninh hay phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất này không phải do lỗi của người sử dụng đất. Khi thu hồi đất, người sử dụng đất bị ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp. Với tư cách đại diện chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước phải có trách nhiệm bù đắp những thiệt hại cho người sử dụng đất với phạm vi bồi thường đó là: bồi thường về đất, bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất.
Có thể hiểu, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là bồi thường về đất và tài sản trên đất do thu hồi đất gây ra cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tại Khoản 6, Điều 4, Luật đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai năm 2003) quy định như sau:
"6. Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất".
Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự chặt chẽ và chưa thể hiện hết được giá trị các thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, đó không chỉ là giá trị quyền sử dụng đất mà còn tính đến giá trị thiệt hại về tài sản trên đất, ngoài ra phải tính đến thiệt hại về các giá trị vô hình khác, mà Nhà nước phải sử dụng thêm cơ chế hỗ trợ thì mới bù đắp được hết các giá trị thiệt hại. Chính vì vậy, Luật đất đai năm 2013 đã sửa đổi và quy định rõ ràng: bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất [1].
Căn cứ tại Điều 74, Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
"Điều 74. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật".
Theo quy định trên, có 03 nguyên tắc bồi thường về đất khi thu hồi đất bao gồm:
Khoản 1, Điều 74, Luật đất đai năm 2013 quy định các điều kiện để người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đó là các điều kiện quy định tại Điều 75, Luật đất đai năm 2013. Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết về các điều kiện này trong bài viết tiếp theo.
Khoản 2, Điều 74, Luật đất đai năm 2013 quy định các hình thức bồi thường bao gồm:
+ Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi;
+ Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Xem thêm: Đơn giá thuê đất được xác định như thế nào?
Tuy nhiên, với quy định này, nếu áp dụng với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp thì ít có khả thi trên thực tế. Bởi lẽ nước ta là đất nước thuần nông, chú trọng chủ yếu vào nông nghiệp, ở một số địa phương, quỹ đất nông nghiệp đã giao hết cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài. Do vậy, không còn quỹ đất nông nghiệp để bồi thường cho người sử dụng đất bị thu hồi đất nông nghiệp.
Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Đây là những yếu tố hết sức cần thiết giúp cho việc thực hiện công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đạt hiệu quả cao, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư. Nếu như trong Luật đất đai năm 2003, quy định này chưa được làm rõ thì trong Luật đất đai năm 2013 này đã được ghi nhận thành một nguyên tắc bồi thường.
Trên đây là những quy định của pháp luật hiện hành giải thích bồi thường đất là gì? Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm những nguyên tắc nào? Từ đó, các cấp chính quyền khi thu hồi đất cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Luật Hoàng Anh
[1] Phạm Thu Thuỷ, "Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013", tạp chí Luật học, số Đặc san Luật đất đai năm 2013, tr. 53,54
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh