Việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng được quy định ra sao? (P1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:44 (GMT+7)

Bài viết trình bày các quy định về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng

Căn cứ tại Khoản 38, Điều 3, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014 (sau đây gọi tắt là Luật Xây dựng năm 2014), thi công xây dựng công trình là hoạt động bao gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng. Việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng được diễn ra trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công công trình xây dựng. Vậy pháp luật hiện hành quy định chi tiết như thế nào về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Các công trình cần phải kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng

Nghiệm thu công trình xây dựng là một trong các hoạt động thuộc trình tự quản lý thi công xây dựng công trình. Hoạt động nghiệm thu được diễn ra trong khi đang tiến hành hoặc sau khi đã hoàn thành xong hoạt động thi công xây dựng công trình.

Khoản 1, Điều 24, Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 06/2021/NĐ-CP) quy định các công trình xây dựng phải được kiểm tra công tác nghiệm thu bao gồm: 

a. Công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo quy định tại Phụ lục VIII Nghị định 06/2021/NĐ-CP ;

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 3, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định dự án quan trọng quốc gia gồm: dự án quan trọng quốc gia theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công (được quy định cụ thể tại Điều 7, Luật Đầu tư công năm 2019); dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (quy định tại Điều 12, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020) ; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. (bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia quy định tại Khoản 1, Điều 17, Luật Đầu tư công năm 2019) 

Các dự án thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo quy định tại Phụ lục VIII Nghị định 06/2021/NĐ-CP là các công trình cần phải kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng. 

b. Công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công;

Căn cứ tại Khoản 22, Điều 3, Luật Đầu tư công năm 2019, vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công quy định ở trên cũng là một trong các công trình cần phải kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng 

c. Công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng ngoài các công trình đã nêu tại mục a, mục b.

Ngoài các công trình quy định tại mục a, mục b, các công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục X Nghị định 15/2021/NĐ-CP cũng là các công trình cần phải kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng . 

2. Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng 

Khoản 2, Điều 24, Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng như sau: 

a. Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp 

Đối với các công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu thuộc về Hội đồng do Thủ tướng chính phủ thành lập. Cụ thể, Điều 25, Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định về Hội đồng này như sau: 

- Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (sau đây gọi là Hội đồng) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và quy định cơ cấu tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc của Hội đồng theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Cụ thể, Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 31/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

- Hàng năm, Hội đồng đề xuất danh mục công trình do Hội đồng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng trong các hoạt động của Hội đồng.

Trên đây chúng tôi đã trình bày về các công trình cần phải kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, thẩm quyền quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Các vấn đề khác liên quan đến quy định của pháp luật về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ được chúng tôi tiếp tục trình bày trong các phần tiếp theo. 

Xem thêm: 

Tổng hợp các bài viết về Luật Xây dựng

Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư