Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:14 (GMT+7)

Bài viết trình bày các quy định về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

Pháp luật hiện hành quy định về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu tại Điều 108, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 (sau đây gọi tắt là Luật Nhà ở năm 2014), cụ thể như sau: 

1. Mức kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư 

Khoản 16, Điều 3, Luật nhà ở năm 2014 quy định phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó. Khoản 1, Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về mức kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư như sau: 

+ Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua.

Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua;

+ Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại.

Phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.

2. Xử lý khi mức kinh phí tại mục 1 không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư 

Trường hợp kinh phí bảo trì tại mục 1 không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

3. Xử lý khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư trước ngày 01/07/2006 mà chưa thu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung

Khi đó, các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này; mức đóng góp kinh phí có thể được nộp hằng tháng vào tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam do Ban quản trị nhà chung cư lập hoặc được đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì.

4. Xử lý khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ sau ngày 01/07/2006 nhưng trong hợp đồng không thoả thuận về kinh phí bảo trì 

Khi đó, chủ đầu tư phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Trường hợp trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở mà giá mua, giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì chủ sở hữu thực hiện đóng khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tương tự quy định tại mục 3. 

5. Xử lý trong trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh 

Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh mà phân chia được riêng biệt các khu chức năng khác nhau trong cùng một tòa nhà bao gồm khu chức năng căn hộ, khu chức năng kinh doanh, dịch vụ và mỗi khu chức năng này có phần sở hữu chung được tách biệt với phần sở hữu chung của cả tòa nhà, được quản lý, vận hành độc lập thì chủ đầu tư và người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua việc phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thành nhiều phần để quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 109 của Luật Nhà ở năm 2014. 

Xem thêm

Tổng hợp các bài viết về Luật Nhà ở

Việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được quy định như thế nào?

Luật Hoàng Anh 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư