Tranh chấp đất đai là gì? Tranh chấp đất đai có mấy dạng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:55 (GMT+7)

Bài viết trình bày về khái niệm tranh chấp đất đai, đặc điểm của tranh chấp đất đai và các dạng tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành

Tranh chấp đất đai là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong đời sống xã hội ở mọi thời kỳ lịch sử. Vậy tranh chấp đất đai là gì? Tranh chấp đất đai có mấy dạng? Chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm về tranh chấp đất đai

Căn cứ tại Khoản 24, Điều 3, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật đất đai năm 2013), khái niệm tranh chấp đất đai được đưa ra như sau:

"Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai".

Theo từ điển Tiếng Việt thì tranh chấp nói chung được hiểu là "các bên giằng co một cái không rõ thuộc về bên nào". Theo đó, tranh chấp được hiểu là sự tranh đấu, giằng co khi có bất đồng, thường là vấn đề lợi ích, quyền lợi giữa hai hay nhiều bên với bên. 

Dưới góc độ pháp lý, tranh chấp được hiểu là những xung đột, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật như tranh chấp dân sự, tranh chấp thương mại…[1].

Từ những phân tích trên, tranh chấp đất đai là những xung đột, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật đất đai.

2. Đặc điểm của tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai có những đặc trưng chung của các tranh chấp dân sự, đồng thời cũng có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt với các loại tranh chấp khác cụ thể như:

a. Đặc điểm về đối tượng của tranh chấp đất đai

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Do đó, đất đai không thuộc sở hữu của bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào. Do vậy, không có tranh chấp về quyền sở hữu đất đai mà chỉ có tranh chấp về quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh trên đất trong quá trình sử dụng đất như các loại tài sản có trên đất, một số hoa lợi, lợi tức…

b. Đặc điểm về chủ thể tranh chấp đất đai

Theo phân tích ở trên, do tính đặc trưng đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó, các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, có quyền định đoạt quyền sử dụng đất chứ không có quyền sở hữu đất. 

c. Đặc điểm về sự ảnh hưởng của tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình quản lý và sử dụng đất. Do vậy, tranh chấp đất đai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của Nhà nước. Bởi lẽ khi tranh chấp, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai có những xung đột, bất đồng, vì vậy dẫn tới hệ quả các bên có thể không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước khi sử dụng đất. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Nhà nước.

3. Các dạng tranh chấp đất đai 

Căn cứ vào tính chất pháp lý của tranh chấp, có thể chia tranh chấp đất đai thành ba dạng sau đây:

a. Tranh chấp về quyền sử dụng đất 

Loại tranh chấp này bao gồm:

+ Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do hai bên không xác định được với nhau hoặc do một bên tự ý thay đổi.

Ví dụ: Hai gia đình A và B sống cạnh nhau lấy hàng rào ở giữa làm ranh giới. Tuy nhiên, trong quá trình tu sửa lại nhà cửa và các công trình sinh hoạt, gia đình ông A đã tự ý dịch chuyển hàng rào để mở rộng phần diện tích đất mà gia đình mình đang sử dụng. Điều này đã gây ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai gia đình.

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ hôn nhân, vợ chồng; quan hệ ly hôn giữa vợ và chồng. 

+ Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác.

+ Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới.[2]

Ví dụ: Một số người dân ở đồng bằng vì hoàn cảnh khó khăn đã đi lên trên các vùng đồi núi khai hoang, trồng trọt. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc địa phương ở các vùng này không đồng ý với việc sử dụng đất của người dân đi khai hoang ở khu vực của họ, từ đó xảy ra tranh chấp. 

b. Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất 

Loại tranh chấp này bao gồm: 

+ Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá tị quyền sử dụng đất;

+ Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng. [3]

Ví dụ: Ông A cho bà B thuê quyền sử dụng một mảnh đất để trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, sau khi đã được ông A cho thuê, bà B xây dựng cửa hàng buôn bán kinh doanh, từ đó xảy ra tranh chấp. Đây chính là tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất. 

c. Tranh chấp về mục đích sử dụng đất

Đây là tranh chấp phát sinh khi người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. 

Trong loại tranh chấp này, phải kể đến tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với đất trồng cây ca cao….trong quá trình phân bổ và quy hoạch sử dụng đất.

Xem thêm: 

Trình tự, thủ tục hoà giải tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự, thủ tục nào?

Luật Hoàng Anh

 

[1]: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - TS. Phạm Thị Hương Lan (2018), Hoà giải trong giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lao động

[2], [3]: Trường đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật đất đai, Nxb Công an nhân dân   

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư