Việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng được quy định ra sao? (P1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:42 (GMT+7)

Bài viết trình bày các quy định về việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng

Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Khái quát về quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng

Thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, căn cứ tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 06/2021/NĐ-CP), quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng để việc thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thiết kế và mục tiêu đề ra.

Việc quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng là một trong các bước thuộc trình tự quản lý thi công công trình xây dựng. 

Khoản 1, Khoản 3, Nghị định 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ quy định về vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng như sau: 

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Vật liệu xây dựng là sản phẩm, hàng hóa được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ.

3. Cấu kiện xây dựng là sản phẩm vật liệu xây dựng được chế tạo để lắp ghép thành kết cấu công trình."

Từ các quy định trên, có thể thấy, việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng là việc quản lý các sản phẩm, hàng hoá, được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, các sản phẩm vật liệu xây dựng được chế tạo để lắp ghép thành kết cấu công trình, các thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng. 

2. Các yêu cầu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị nhập khẩu cho công trình xây dựng 

Căn cứ tại Khoản 1, Điều 7, Thông tư 10/2021/NĐ-CP ngày 25/08/2021 của Chính phủ, các yêu cầu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị nhập khẩu sử dụng cho thi công xây dựng công trình (nếu có) phải được thể hiện trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng (hoặc nhà thầu cung ứng, chế tạo, sản xuất), bao gồm các thông tin chủ yếu sau: tên chủng loại vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng; các thông số kỹ thuật chính phù hợp với yêu cầu thiết kế; nhà sản xuất, chế tạo; nơi sản xuất, chế tạo và các chứng từ chứng minh xuất xứ. 

3. Các yêu cầu về hình thức của chứng chỉ chứng minh xuất xứ 

Căn cứ tại Khoản 2, Điều 7, Thông tư 10/2021/NĐ-CP ngày 25/08/2021 của Chính phủ hình thức của chứng chỉ chứng minh xuất xứ của các thiết bị, vật liệu xây dựng đó là phải được thỏa thuận trong hợp đồng nêu tại mục 1 bao gồm một trong các hình thức sau: 

+ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; 

+ Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà sản xuất hoặc thương nhân phát hành, trong đó phải nêu rõ nhà sản xuất, chế tạo và nơi sản xuất, chế tạo.

4. Trách nhiệm của nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng đã là hàng hoá trên thị trường 

Đối với các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng đã là hàng hóa trên thị trường, nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng có các trách nhiệm quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 06/2021/NĐ-CP), cụ thể như sau: 

+ Tổ chức thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng và cung cấp cho bên giao thầu (bên mua sản phẩm xây dựng) các chứng chỉ, chứng nhận, các thông tin, tài liệu có liên quan tới sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Kiểm tra chất lượng, số lượng, chủng loại của sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng theo yêu cầu của hợp đồng trước khi bàn giao cho bên giao thầu;

+ Thông báo cho bên giao thầu các yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng;

+ Thực hiện sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm xây dựng không đạt yêu cầu về chất lượng theo cam kết bảo hành sản phẩm xây dựng và quy định của hợp đồng xây dựng.

+ Chịu trách nhiệm về chất lượng vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị do mình cung ứng, sản xuất, chế tạo so với yêu cầu của bên giao thầu và tính chính xác, trung thực của các tài liệu cung cấp cho bên giao thầu; việc nghiệm thu của bên giao thầu không làm giảm trách nhiệm nêu trên của các nhà thầu này.

Trên đây là một phần các quy định của pháp luật về việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng, các vấn đề khác liên quan đến việc quản lý này, chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày trong các bài viết tiếp theo. 

Xem thêm: 

Tổng hợp các bài viết về Luật Xây dựng

Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư