2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Ban kiểm soát trong doanh nghiệp Nhà nước cần có chế độ làm việc chặt chẽ. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã đưa ra những quy định về nội dung này như sau:
Dựa vào cơ sở pháp lý là Khoản 1 và Khoản 2 Điều 106 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 106. Chế độ làm việc của Ban kiểm soát
1. Trưởng Ban kiểm soát xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng Kiểm soát viên.”
2. Kiểm soát viên chủ động và độc lập thực hiện nhiệm vụ và công việc được phân công; đề xuất, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.”
Cơ cấu của Ban kiểm soát bao gồm Trưởng Ban kiểm soát và Kiểm soát viên. Trưởng Ban kiểm soát là người đứng đầu trong Ban kiểm soát, là người xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát. Kiểm soát viên là người thực hiện các nhiệm vụ và công việc theo sự phân công của Trưởng Ban kiểm soát. Ngoài ra, để tăng tính linh hoạt, pháp luật quy định Kiểm soát viên có thể đề xuất, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.
Khoản 3 Điều 106 Luật Doanh nghiệp đã quy định về thời gian và nội dung cuộc họp của Ban kiểm soát doanh nghiệp Nhà nước:
“Điều 106. Chế độ làm việc của Ban kiểm soát
3. Ban kiểm soát họp ít nhất mỗi tháng một lần để rà soát, đánh giá, thông qua báo cáo kết quả kiểm soát trong tháng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu; thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động tiếp theo của Ban kiểm soát.”
Do là doanh nghiệp Nhà nước nên việc kiểm soát cũng phải được tiến hành chặt chẽ hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Pháp luật quy định Ban kiểm soát phải họp ít nhất mỗi tháng một lần nhằm nhanh chóng nắm bắt hoạt động kinh doanh, điều hành của doanh nghiệp. Ban kiểm soát doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm báo cáo hằng tháng tới cơ quan đại diện chủ sở hữu. Có thể nói rằng, cơ quan đại diện chủ sở hữu thông qua Ban kiểm soát để thực hiện thẩm quyền giám sát của mình, đặc biệt là việc giám sát trong sử dụng vốn nhà nước.
Quyết định của Ban kiểm soát là kết quả của cuộc họp Ban kiểm soát. Việc thông qua các quyết định đó được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 106 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 106. Chế độ làm việc của Ban kiểm soát
4. Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.”
Làm việc theo chế độ tập thể nên việc thông qua các quyết định của Ban kiểm soát phải theo nguyên tắc đa số. Khi một quyết định được thông qua, có nghĩa quyết định đó đã nhận được sự tán thành của quá bán số lượng thành viên dự họp.
Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ quy định về thẩm quyền ban hành quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên như sau:
“Điều 10. Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
2. Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước và là công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp.
3. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của Công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.”
Như vậy, thẩm quyền ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên cụ thể như sau:
Trong doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thẩm quyền ban hành thuộc về Cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước và là công ty con của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ban hành, Hội đồng thành viên ban hành.
Trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thẩm quyền thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của Công ty mẹ.
Theo Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ, quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các nội dung sau đây:
- Phạm vi, nội dung thực hiện các quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ được giao của Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên.
- Cơ chế phối hợp; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp đối với hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
- Cơ chế phối hợp, báo cáo, xin ý kiến giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và Ban kiểm soát, Kiểm soát viên trong thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
- Cơ chế phối hợp giữa Ban kiểm soát, Kiểm soát viên với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác trong thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên đối với doanh nghiệp, công ty con, công ty có phần vốn góp hoặc công ty liên kết của doanh nghiệp.
- Cơ chế đánh giá việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ của Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
- Tiền lương, thù lao, tiền thưởng, điều kiện làm việc, định mức chi phí công tác, chi phí hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
- Nội dung khác theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh