Biện pháp bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư 2020?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:14 (GMT+7)

Biện pháp bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài theo quy định tại ĐIều 12 Luật đầu tư 2020

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Mục đích của nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh và phạm vi lãnh thổ các quốc gia tiếp nhận đầu tư là nhằm tìm kiếm các lợi ích về kinh tế mà cụ thể ở đây là lợi nhuận. Bên cạnh đó, mong muốn thực sự của những chủ thể "mang chuông đi đánh xứ người" không chỉ là thu lợi nhuận mà còn là sự tự do sử dụng lợi nhuận như một tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ. Hành vi thể hiện rõ nét nhất quyền tự do định đoạt này là thực hiện việc chuyển lợi nhuận của họ ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư. Bên cạnh các biện pháp bảo đảm tài sản của các nhà đầu tư, các quốc gia tiếp nhận đầu tư thường thiết kế trong pháp luật đầu tư của mình các quy định bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài.

Đối với vấn đề này, nhà nước Việt Nam không cấm nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận của mình ra nước ngoài sau khi họ thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ tài chính với nhà nước tiếp nhận đầu tư như là một sự đáp trả đối với chủ thể đã đã kiến tạo một sân chơi đầu tư cũng như tạo cơ hội và các điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiến hành hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận, nên trước khi chuyển lợi nhuận của mình ra nước ngoài, nhà đầu tư phải đảm bảo điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật

Theo Điều 12 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 quy định về các loại tài sản mà nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài bao gồm:

“Điều 12. Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài

Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:

1. Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;

2. Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;

3. Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.”

Đây cũng là một trong những biện pháp bảo đảm đầu tư được ghi nhận trong các văn bản luật đầu tư Việt Nam qua các thời kỳ khác, có thể kể đến Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 1998; Luật đầu tư nước ngoài năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2000; tiếp theo là trong Luật đầu tư năm 2005, Luật đầu tư 2014 và cho đến nay Luật đầu tư 2020. Mặc dù cùng ghi nhận nội dung tương tự nhau khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận hợp pháp của mình về quốc gia mà họ mang quốc tịch nhưng nghĩa vụ tài chính mà họ phải thực hiện với nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn có sự thay đổi nhất định.

Ví dụ: trước đây trong các văn bản Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 1998 hay Luật đầu tư nước ngoài năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2000 đã có quy định về nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư nước ngoài khi chuyển lợi nhuận của họ ra nước ngoài. Mức thuế suất cũng có thể thay đổi nhất định từ 5% số lợi nhuận mà họ định chuyển trong Luật khuyến khích đầu tư năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 1998 cho đến mức 5% hoặc 7% hoặc 10% tùy từng trường hợp theo mức góp vốn vào hợp đồng hợp tác hoặc vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào vốn pháp định của doanh nghiệp trong Luật đầu tư nước ngoài năm 1996, hay mức 3% đến 5% đến 7% theo Luật đầu tư nước ngoài được sửa đổi, bổ sung năm 2000.

Tuy nhiên, việc đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với nhà đầu tư nước ngoài một mặt góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước, mặt khác cũng thể hiện một bất cập là gây ra tình trạng thuế chồng lên thuế. Bởi lẽ các nhà đầu tư nước ngoài trước khi thu được lợi nhuận họ đã phải nộp một số loại thuế trong quá trình tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... Vì vậy, quy định về nghĩa vụ nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được coi là một gánh nặng tài chính đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ đó. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho khả năng thu hút đầu tư cũng như chỉ số hấp dẫn đầu tư của môi trường Việt Nam có sự giảm cảm xút nhất định. Để khắc phục hạn chế này, từ năm 2005 cho đến nay, nghĩa vụ nộp thuế khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài không còn được ghi nhận trong pháp luật đầu tư cũng như pháp luật về thuế của Việt Nam. Động thái tích cực này được coi là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhà nước Việt Nam trong quá trình xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đầu tư.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư