Các loại thuế mà doanh nghiệp nước ngoài phải nộp?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:20 (GMT+7)

Các loại thuế doanh nghiệp nước ngoài phải nộp bao gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì cũng có các nghĩa vụ thuế tương tự các doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước. Các loại thuế doanh nghiệp nước ngoài phải nộp bao gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

1. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014) quy định

“Điều 2. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;”

Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong một trong các loại thuế doanh nghiệp nước ngoài phải nộp.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, sửa đổi tại Điều 1 Thông tư số 96/2015/TT-BTC:

“Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế trừ đi phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Công thức tính thuế như sau:

Thuế TNDN phải nộp = [Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)] x Thuế suất thuế TNDN

Trong đó:

Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế - Các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.

Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Thu nhập chịu thuế khác

Thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây là các khoản thu mà pháp luật quy định không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các lý do nhất định. Các khoản thu nhập được miễn thuế đã được quy định cụ thể tại Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 Thông tư số 96/2015 bao gồm 12 khoản được miễn thuế.

Các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước: Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế, chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước. Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.

2. Thuế thu nhập cá nhân

Khoản 1 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:

"a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có uỷ quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân."

Như vậy, mặc dù thuế thu nhập cá nhân là loại thuế đánh vào thu nhập của cá nhân người lao động của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp trả thu nhập phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động trước khi trả thu nhập và có trách nhiệm khai, nộp số tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Việc khấu trừ thực hiện theo quy định tại thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

- Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên: Khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần và người lao động được tính giảm trừ gia cảnh trước khi khấu trừ. Doanh nghiệp trả thu nhập có trách nhiệm quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền.

- Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng: Khấu trừ trực tiếp 10% tại nguồn trước khi trả thu nhập có tổng mức chi tra từ 2.000.000 đồng trở lên, không được tính giảm trừ gia cảnh nhưng được làm cam kết 02/CK-TNCN (nếu đủ điều kiện) để doanh nghiệp trả thu nhập tạm thời không khấu trừ thuế của các cá nhân này.

- Đối với cá nhân không cư trú: Khấu trừ 20% trước khi trả thu nhập

Ngoài ra, tùy thuộc vào hoạt động của mình, một trong các loại thuế doanh nghiệp nước ngoài phải nộp còn có thể bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường...

3. Thuế giá trị gia tăng

Căn cứ vào Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, hướng dẫn chi tiết tại Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, những chủ thể sau đây có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng.

“Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu)”

Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư năm 2020; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam phải có nghĩa vụ đóng thuế giá trị gia tăng.

Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT =  giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x với thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó.

Số thuế GTGT đầu vào = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào ghi trên hóa đơn GTGT.

Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.

Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp

Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x với doanh thu

Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

4. Thuế môn bài

Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức đóng lệ phí môn bài được quy định đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

Vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Tiền lệ phí môn bài

Trên 10 tỷ đồng

3.000.000 đồng/năm

Từ 10 tỷ đồng trở xuống

2.000.000 đồng/năm

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác

1.000.000 đồng/năm

 

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đầu tư.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư