Chủ doanh nghiệp tư nhân quản lý doanh nghiệp như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:06 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về việc quản lý doanh nghiệp tư nhân.

Xuất phát từ bản chất và đặc trưng của doanh nghiệp tư nhân, việc quản lý doanh nghiệp này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chủ doanh nghiệp tư nhân. Pháp luật không can thiệp vào việc quản lý của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra một số quyền liên quan cụ thể.

1. Cơ sở pháp lý

Cụ thể pháp luật quy định vấn đề này tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 190. Quản lý doanh nghiệp tư nhân

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

3. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

2. Quản lý doanh nghiệp tư nhân

Dựa vào quy định pháp luật trên, có thể thấy:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tài sản, quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp không phân định rõ ràng. Vậy nên, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Luật Doanh nghiệp chỉ xác định chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Dù là trực tiếp quản lý hay đi thuê thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ giao kết hợp đồng thuê Giám đốc với người được thuê. Về nguyên tắc, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp nhưng người được thuê làm Giám đốc doanh nghiệp tư nhân khi vượt quá phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ trong hợp đồng thuê Giám đốc doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm như trường hợp vượt quá phạm vi đại diện theo nguyên tắc chung tại Bộ luật Dân sự. Theo đó thì giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối, nếu không sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư