Cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:10 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản.

Cơ quan thi hành án dân sự cũng là chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản. Chủ thể này sẽ tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản trong trường hợp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại Điều 17 Luật Phá sản năm 2014.

1. Cơ quan thi hành án dân sự là gì?

Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thi hành các bản án, quyết định dân sự. Khi bản án, quyết định được đưa ra thi hành, các cơ quan thi hành án có trách nhiệm thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng đắn những bản án, quyết định đó; không được phép có bất kì sự thay đổi nào đối với nội dung bản án, quyết định (trừ trường hợp các đương sự thoả thuận). Để thi hành đúng, đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định dân sự, cơ quan thi hành án phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục, thời hạn thi hành án mà pháp luật quy định, không cá nhân, cơ quan tổ chức nào, kể cả các cơ quan quản lí thi hành án được can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ vào hoạt động nghiệp vụ thi hành án của cơ quan thi hành án. Các quyết định của cơ quan thi hành án có giá trị bắt buộc các chủ thể khác phải chấp hành.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thi hành án trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản

Thứ nhất, thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của Luật Phá sản năm 2014.

Thứ hai, yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện việc định giá, thanh lý tài sản; thực hiện việc thanh lý tài sản trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật Phá sản năm 2014. Theo đó, tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản.

Thứ tư, đề xuất Tòa án nhân dân thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Thứ năm, phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định của Tòa án nhân dân.

Thứ sáu, quyết định kết thúc việc thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Ngoài ra, Cơ quan thi hành án dân sự còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư