2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Khác với đa số các loại hình công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoàn toàn là sản phẩm của quá trình lập pháp. Nhiều người cho rằng: “Mô hình công ty cổ phần không thích hợp với các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Các quy định quá phức tạp trong luật công ty cổ phần không cần thiết cho loại công ty vừa và nhỏ, có ít thành viên và thường là họ quen biết nhau. Còn chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của công ty đối nhân không thích hợp với tất cả các nhà đầu tư” [1]. Có lẽ là từ những quan niệm trên, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được xây dựng với sự kế thừa từ các ưu điểm kết hợp của công ty cổ phần và công ty hợp danh. Vậy loại hình công ty này có những đặc điểm gì? Câu hỏi này sẽ được Luật Hoàng Anh giải đáp trong bài viết dưới đây.
Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
“Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”
Từ quy định trên, có thể rút ra một số đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm:
Thành viên công ty là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty. Thành viên công ty là nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng thành viên của công ty tối thiếu là 02 và tối đa không vượt quá 50 thành viên. Mặc dù có bản chất là công ty đối vốn nhưng trong công ty vẫn tồn tại một số đặc điểm của công ty đối nhân để hiện ở sự giới hạn về số lượng thành viên này. Pháp luật về doanh nghiệp đã xây dựng một loại hình công ty mang tính chất gia đình, các thành viên thường có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với nhau, từ đó tạo nên một tổ chức kinh doanh không quá cồng kềnh cũng không lỏng lẻo.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính và khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty trừ trường hợp các thành viên chưa góp vốn hoặc góp không đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty cho đến khi công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên đó. Chế độ trách nhiệm hữu hạn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên giống với chế độ trách nhiệm hữu hạn của cổ đông công ty cổ phần nhưng lại khác biệt so với chế độ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân hay thành viên hợp danh công ty hợp danh. Có thể thấy, trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sự tách bạch giữa tài sản công ty và tài sản riêng của thành viên công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là một pháp nhân. Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là tổ chức có tên riêng, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật nhằm mục đích kinh doanh, có tài sản riêng hình thành từ vốn góp của các thành viên công ty và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của công ty. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn không được phát hành cổ phần. Tuy nhiên, công ty này được phát hành trái phiếu để huy động vốn khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và theo điều lệ công ty.
Thành viên công ty được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty phải tuân thủ theo các điều kiện nhất định. Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên bị hạn chế hơn so với việc chuyển nhượng vốn của cổ đông công ty cổ phần. Quy định này nhằm hạn chế sự gia nhập thành viên công ty vì các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là những người có quan hệ thân thiết gắn bó tin tưởng lẫn nhau để cùng nhau góp vốn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chế độ chịu trách nhiệm tài sản hữu hạn là cơ chế bảo vệ tốt cho các nhà đầu tư, giúp họ có thể tự tin sản xuất, kinh doanh, kể cả trong những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao.
Các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau nên có sự đồng thuận, gắn bó chặt chẽ với nhau. Khi quyết định các vấn đề của công ty sẽ dễ dàng có được sự ủng hộ, đồng tình và sự cố gắng thực hiện từ các thành viên khác.
Do số lượng thành viên khá ít nên cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành khá đơn giản. Điều này cũng góp phần giúp cho công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể nhanh chóng, linh hoạt, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là loại hình công ty lý tưởng để kinh doanh trong phạm vi nhỏ hoặc vừa, đồng thời lại có sự bảo đảm an toàn cao về mặt tài sản cho các thành viên.
Với tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản nên nhiều cá nhân, tổ chức khi làm ăn với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đều tỏ ra khá e dè, thận trọng. Bởi nếu các thành viên lợi dụng công ty để kinh doanh với mục đích gian trá thì điều đó có thể mang lại rủi ro rất lớn cho khách hàng và các chủ nợ.
Khả năng huy động vốn hạn chế, do không được phát hành cổ phiếu. Ngay cả khi công ty được phép huy động vốn bằng phương pháp phát hành trái phiếu thì cũng phải thỏa mãn các quy định không mấy dễ dàng của pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp
Luật Hoàng Anh
[1] Bùi Ngọc Cường (2010), Giáo trình Luật Thương mại, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh