2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Đối với mỗi nền kinh tế, đầu tư là hoạt động quan trọng tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế. Vậy đầu tư là gì? Bài viết dưới đây Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về vấn đề trên.
Đầu tư có thể tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Tương ứng từng góc độ tiếp cận, đầu tư sẽ có thể có những cách hiểu khác nhau.
Trong kinh tế học vi mô, đầu tư được hiểu là sự bỏ vốn ra cùng với các nguồn lực khác (máy móc, sức lao động, trí tuệ…) trong hiện tại để tiến hành một hoạt động nào đó để tạo ra hay khai thác sử dụng một tài sản nào đó nhằm thu về các kết quả có lợi trong tương lai. Ở góc độ này đầu tư cũng có thể được hiểu là sự hi sinh giá trị chắc chắn ở hiện tại để đạt được giá trị lớn hơn, dù có thể không chắc chắn trong tương lai.
Ví dụ: Việc mua máy móc, thiết bị, cây cối, nhà xưởng nhằm mục đích sản xuất được coi là đầu tư.
Ở góc độ tài chính, đầu tư là việc mua một tài sản với hi vọng sẽ tạo ra thu nhập hoặc sự đánh giá cao trong tương lai và được bán với giá cao hơn. Đầu tư cũng có thể được hiểu là chuỗi hành động chi của các chủ thể nhằm đạt được chuỗi hành động thu để hoàn vốn và sinh lợi. Theo nghĩa này, đầu tư không bao gồm các khoản tiết kiệm gửi tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Thuật ngữ đầu tư thường được sử dụng khi thực hiện một hoạt động có tính dài hạn và mức độ rủi ro cao.
Đầu tư trong cách hiểu của kinh tế học hướng tới sự gia tăng khối lượng tư bản hay năng lực sản xuất của nền kinh tế. Trong khi đó, đầu tư tài chính hướng tới sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản hiện có từ thể nhân, pháp nhân này sang thể nhân, pháp nhân khác.
Đầu tư cũng có thể hiểu là một hoạt động thương mại, tức là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bên cạnh các hoạt động thương mại khác như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại… Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 hướng đến khi quy định hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm là cả hoạt động đầu tư.
“1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”
Dù có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tựu chung, các khái niệm về đầu tư đều giống nhau ở một điểm, đó là đều hướng tới sự gia tăng trong tương lai bằng việc hi sinh các nguồn lực ở hiện tại. Lợi ích đó có thể là lợi ích kinh tế hoặc lợi ích xã hội tùy vào mục đích thực hiện của hoạt động đầu tư. Để đánh giá sự gia tăng lợi ích của đầu tư, người ta có thể sử dụng các tiêu chí khác nhau. Trong sản xuất kinh doanh, người ta có thể dung tiêu chí lợi nhuận, được hiểu là sự chênh lệch giữa thu nhập đem lại với chi phí bỏ ra để tiến hành hoạt động đầu tư. Ở tầm vi mô, các tiêu chi như tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP), gia tăng số lượng việc làm, tài sản mới được tạo ra… lại thường được sử dụng.
Xét ở góc độ pháp luật, đầu tư là quyền của tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Để thực hiện đầu tư, các chủ thể này đem vốn, tài sản hợp pháp ban đầu để thực hiện hoạt động theo các hình thức được pháp luật quy định. Theo đó, pháp luật Việt Nam hiện hành hướng đến việc điều chỉnh hoạt động đầu tư nhằm mục đích sinh lời, hay còn gọi là đầu tư kinh doanh.
Khoản 8 Điều 3 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 quy định về khái niệm đầu tư kinh doanh như sau:
“8. Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.”
Kết hợp với Khoản 21 Điều 4 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 kinh doanh được hiểu là:
“21. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.”
Như vậy, đầu tư có thể được coi là khởi đầu của quá trình kinh doanh. Để thực hiện hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư sẽ trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nhà xưởng… Lúc này, hoạt động đầu tư được coi là nền tảng để thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương mại khác. Hoạt động đầu tư kinh doanh chỉ được thực hiện theo các hình thức mà pháp luật cho phép.
Như vậy theo nghĩa chung nhất, đầu tư được hiểu là việc sư dụng vốn hay nguồn lực vào một hoặc một số hoạt động nhất định, dưới các hình thức nhất định nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm gia tăng lợi ích kinh tế - xã hội.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đầu tư.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh