Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:11 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về định nghĩa doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

 

Lý do duy nhất để xác định một doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản là dựa trên việc doanh nghiệp, hợp tác xã đó có mất khả năng thanh toán nợ đến hạn hay không. Mất khả năng thanh toán là biểu hiện trực tiếp của việc mất cân đối trong thu và chi của doanh nghiệp, hợp tác xã. Mất khả năng thanh toán được định nghĩa trong Luật Phá sản năm 2014 như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”

1. Tiêu chí xác định mất khả năng thanh toán là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”

Luật Phá sản năm 2014 quy định mất khả năng thanh toán tức là doanh nghiệp, hợp tác xã “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” mà không phải là “không có khả năng thanh toán”. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất về khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong Luật Phá sản năm 2014 và cách hiểu về doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong Luật Phá sản năm 2004. Theo Luật Phá sản năm 2004, mất khả năng thanh toán không chỉ là hiện tượng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được nợ mà nó còn thể hiện doanh nghiệp, hợp tác xã đang lâm vào tình trạng tài chính tuyệt vọng, có nghĩa là không thể trả được nợ, không có lỗi thoát, trừ khi có sự can thiệp của Tòa án hoặc sự giúp đỡ của các chủ nợ. Nhưng việc quy định doanh nghiệp, hợp tác xã “không có khả năng thanh toán” là không chính xác, bởi doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng thanh toán nợ hay không, chỉ có thể căn cứ vào sổ sách, chứng từ. Chủ nợ chỉ có thể xác nhận rằng doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, từ đó yêu cầu mở thủ tục phá sản, mà không thể kết luận rằng doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán nợ. Do đó, quy định như Luật Phá sản năm 2014 đã xác định chính xác và khách quan về doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bằng hành vi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp.

Hai là, mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn toàn cạn kiệt tài sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã có thể còn rất nhiều tài sản mà vẫn mất khả năng thanh toán, chỉ vì tài sản đó không thể bán được, cho nên doanh nghiệp, hợp tác xã không có tiền để thanh toán các khoản nợ.

2. Thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định mất khả năng thanh toán

Thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định mất khả năng thanh toán là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Luật Phá sản năm 2014 đã để một khoảng thời gian 03 tháng kế từ ngày đến hạn thanh toán là hợp lý. Vì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã thay đổi lại yêu cầu của mình như có thể chuyển việc tuyên bố phá sản sang mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Việc sửa lại mốc tính thời hạn là khi chủ nợ có yêu cầu (Luật Phá sản năm 2004) thành “kể từ ngày đến hạn thanh toán” thể hiện tính khách quan khi xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Việc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hoàn toàn không phụ thuộc vào việc chủ nợ có yêu cầu thanh toán hay không, tức là không phụ thuộc vào hành vi đơn phương của chủ nợ; mà phụ thuộc vào chính thời hạn thanh toán của khoản nợ. Nói cách khác, ngay cả khi chủ nợ không có yêu cầu, mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ sau 3 tháng kể từ ngày đến hạn, thì doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn bị xác định là mất khả năng thanh toán. Quy định như vậy sẽ tạo căn cứ pháp lý không chỉ cho chủ nợ có thể yêu cầu tiến hành thủ tục phá sản, mà bản thân doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có thể tự yêu cầu tiến hành thủ tục phá sản.

Với định nghĩa rõ ràng và cụ thể trên, quyền lợi của chủ nợ sẽ được đảm bảo tối đa bởi để yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ không cần phải chứng minh đã có yêu cầu thanh toán (văn bản đòi nợ, văn bản khất nợ…), chỉ cần xác định là có khoản nợ và đến thời điểm Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp vẫn không thanh toán là có thể mở thủ tục phá sản.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư