Khoản nợ có bảo đảm được xử lý như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:10 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về xử lý khoản nợ có bảo đảm

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Khoản nợ có bảo đảm được xử lý theo quy định tại Điều 53 Luật Phá sản năm 2014, cụ thể như sau:

Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:

- Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.

- Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản năm 2014.

Như vậy về nguyên tắc việc tài sản bảo đảm có được xử lý hay không phụ thuộc vào việc có triển khai thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hay không. Về điểm này, theo quy định tại Khoản 5 Điều 91 Luật Phá sản năm 2014: “trường hợp phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có sử dụng tài sản bảo đảm thì phải quy định rõ thời gian sử dụng tài sản có bảo đảm, phương án xử lý tài sản bảo đảm và phải được chủ nợ có bảo đảm bằng tài sản đó đồng ý”. Nói cách khác, việc tài sản bảo đảm có được sử dụng trong việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hay không là do chủ nợ có bảo đảm quyết định.

Khoản 3 Điều 53 quy định như sau, tài sản bảo đảm được xử lý trong các trường hợp:

- Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm.

- Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó.

Trong hai trường hợp trên, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:

- Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó. Đây là quy định hợp lý. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Tiền bán tài sản bảo đảm được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho các bên nhận bảo đảm sau khi trừ các chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.

- Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tại Điểm a Khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản năm 2014 quy định đối với khoản nợ có bảo đảm được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó, theo quy định này tòa án sẽ giao tài sản bảo đảm cho chủ nợ có bảo đảm để khấu trừ khoản nợ có bảo đảm. Tuy nhiên thực tế vụ việc phá sản Công ty Sofel xảy ra trường hợp như sau: Căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản, tòa án cho thanh toán khoản nợ có bảo đảm của Ngân hàng BIDV bằng tài sản bảo đảm là máy móc thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển và các tài sản khác của Công ty Sofel, yêu cầu Ngân hàng BIDV-CN.HCM nhận tài sản bảo đảm tương ứng với giá trị thẩm định giá để cấn trừ một phần khoản nợ có bảo đảm. Thế nhưng, Ngân hàng BIDV phản hồi không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ mà yêu cầu Tòa án giao tài sản để Ngân hàng BIDV tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản sẽ được dùng thanh toán nợ cho Ngân hàng.

Tương tự, tòa án xử lý khoản nợ có bảo đảm của Công ty Sofel đối với Ngân hàng VietinBank được thanh toán bằng tài sản bảo đảm gồm thân vỏ tàu, máy móc, thiết bị đã thi công thuộc Dự án tàu biển theo giá trị thẩm định giá, yêu cầu Ngân hàng VietinBank nhận tài sản bảo đảm này tương ứng với giá trị thẩm định giá để cấn trừ một phần khoản nợ có bảo đảm. Thế nhưng, Ngân hàng VietinBank phản hồi không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ mà yêu cầu Tòa án giao tài sản để Ngân hàng tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản sẽ được dùng thanh toán nợ cho Ngân hàng.

Vấn đề đặt ra: Trong trường hợp chủ nợ có bảo đảm không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ thì giải quyết như thế nào? Trong trường hợp chủ nợ có bảo đảm không đồng ý nhận tài sản để cấn trừ nợ mà yêu cầu Tòa án giao tài sản để chủ nợ tự tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản sẽ được dùng thanh toán nợ cho khoản nợ có bảo đảm thì giải quyết như thế nào? [1] Đây vẫn là vấn đề cần được pháp luật quy định cụ thể hơn.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản

Luật Hoàng Anh

[1] Dương Thanh Thuận, “Một số bất cập cần bổ sung sửa đổi Luật Phá sản 2014”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư