Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh bao gồm các nội dung nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:11 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

Việc phục hồi hoạt động kinh doanh của con nợ có ý nghĩa không chỉ đối với bản thân con nợ mà còn có ý nghĩa lớn đối với các chủ nợ, người lao động, các đối tác, đặc biệt là đối với sự vững mạnh của nền kinh tế đất nước. Việc phục hồi tạo cơ hội cho doanh nghiệp mắc nợ vượt qua tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, hạn chế đến mức thấp nhất việc giải thể doanh nghiệp khi còn có hy vọng phục hồi nó. Việc phục hồi hoạt động này được triển khai dựa trên cơ sở là phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo tính khả thi cũng như bảo đảm được quyền lợi cho các bên có liên quan, pháp luật đã quy định cụ thể về nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

1. Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

Khoản 1 Điều 88 Luật Phá sản năm 2014 quy định như sau:

Điều 88. Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

1. Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.”

Như vậy, phương án phục hồi hoạt động kinh doanh phải bảo đảm các nội dung sau: biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.

2. Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh

Biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 88 Luật Phá sản năm 2014 như sau:

Điều 88. Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

2. Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh gồm:

a) Huy động vốn;

b) Giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ;

c) Thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh;

d) Đổi mới công nghệ sản xuất;

đ) Tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất;

e) Bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác;

g) Bán hoặc cho thuê tài sản;

h) Các biện pháp khác không trái quy định của pháp luật.”

Việc triển khai thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp căn cứ trên bốn nhóm giải pháp chính là:

2.1. Thực hiện các giải pháp về tài chính

a. Huy động vốn của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo pháp luật chuyên ngành khác, như là: tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng, tín dụng thuê mua, bán và tái thuê tài sản của doanh nghiệp… Pháp luật phá sản không trực tiếp quy định cụ thể hình thức này mà để doanh nghiệp tự thực hiện theo tình hình thực tiễn.

b. Giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ từ phía các chủ nợ

Việc thực hiện các giải pháp này căn cứ vào thỏa thuận của các chủ nợ tại phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giải pháp này là một trong những yêu cầu thực tiễn đối với chủ nợ để bảo đảm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ có điều kiện tạm dừng hoặc giảm bớt trách nhiệm tài chính và tập trung nguồn vốn vào hoạt động phục hồi của mình. Về nguyên tắc, các khoản nợ vẫn được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi theo quy định pháp luật cho đến khi đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Pháp luật cũng quy định về xử lý khoản nợ có bảo đảm đối với trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn...

c. Bán cổ phần cho chủ nợ, những người khác

Đây là một trong những phương thức chuyển đổi loại hình từ nợ sang góp vốn cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh. Nó có thể là hình thức phát hành thêm cổ phiếu hoặc bán lại cổ phiếu từ nguồn sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên của doanh nghiệp là cổ đông hiện hữu. Các hình thức bán cổ phần được thực hiện trong thời điểm hiện nay theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thể kể đến là: chào bán cổ phần riêng lẻ; chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; bán cổ phần ra công chúng. Việc thực hiện chào báo cổ phần này thường là cho chủ nợ và cũng có thể cho các nhà đầu tư khác theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan.

d. Bán hoặc cho thuê tài sản

Luật Phá sản năm 2014 quy định việc hạn chế các giao dịch bán, chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ vì mục đích “tẩu tán”. Điều 64 Luật Phá sản năm 2014 quy định về tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ: Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp có tại thời điểm Toà án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản; tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Toà án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản; giá trị của tài sản bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm mà doanh nghiệp phải thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm; giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp; tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ giao dịch vô hiệu; các tài sản khác theo quy định của pháp luật. Việc mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đồng nghĩa với việc cho phép doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước đó (nếu có), có thể bán hoặc cho thuê tài sản dưới sự giám sát của chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và các chủ thể liên quan theo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả nợ và có nguồn vốn tổ chức kinh doanh trở lại.

2.2. Thực hiện các giải pháp về đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận

Luật Phá sản năm 2104 đã dự trù được những quy định giải pháp đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như là:

a. Thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh

Nói đến đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh là nói đến sự đổi mới toàn diện của cả chu trình sản xuất, kinh doanh từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ và mua bán, giao dịch trên thị trường. Luật Phá sản khi đề cập đến giải pháp thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh, mới chỉ đề cập đến một trong số các giải pháp liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp (như còn có thể kể đến việc nhập vật tư, nguyên liệu, đổi mới tiêu chí chất lượng mặt hàng, đổi mới phương thức giao dịch…).

b. Đổi mới công nghệ sản xuất

Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp phải biết luôn tự làm mới mình bằng cách tự vận động và đổi mới, du nhập những tiến bộ khoa học kỹ thuật thời đại liên quan đến lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp mình. Nó quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ càng cao thì càng có chỗ đứng trong thị trường và được mọi người tin dùng so với những sản phẩm dịch vụ cùng loại khác.

2.3. Thực hiện các giải pháp về tái cơ cấu tổ chức bộ máy doanh nghiệp

Kế thừa quy định của Luật Phá sản năm 2004 cho phép thay đổi người quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Luật Phá sản năm 2014 cũng giữ nguyên quy định và có sự điều chỉnh hợp lý, phù hợp hơn với Luật Doanh nghiệp, đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (thay vì người quản lý): “Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp… không có khả năng điều hành, doanh nghiệp… có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp… đó theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (khoản 2 Điều 47 Luật Phá sản năm 2014). Đối với các giải pháp tái cơ cấu tổ chức bộ máy của doanh nghiệp, các nhà lập pháp đã dự kiến để lại cho doanh nghiệp, các chủ nợ chủ động điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường.

2.4. Thực hiện giải pháp khác

Luật Phá sản năm 2014 cũng đưa ra quy định mở để các chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ thực hiện những giải pháp đặc thù đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh kinh tế, chính trị, xã hội (tổ chức tín dụng, ngân hàng…).

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư