Phương thức, hình thức, công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:19 (GMT+7)

Phương thức, hình thức, công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo Điều 6 Điều 7 Điều 8 Nghị định số 135/2015/NĐ-CP

Luật đầu tư 2020 không có quy định về đầu tư gián tiếp mà quy định chung hoạt động này là hoạt động đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, quy định về hoạt động đầu tư gián tiếp lại được đề cập tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 16/2019/NĐ-CP. Theo đó, đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài. Dưới đây là phần trình bày về phương thức, hình thức và công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài mời bạn đọc tham khảo.

1. Phương thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Theo Điều 6 Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định có hai phương thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài như sau:

“Điều 6. Phương thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế được thực hiện theo các phương thức sau:

1. Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

2. Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.”

Tổ chức tự doanh phải mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Tổ chức nhận ủy thác phải mở một tài khoản vốn nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bằng ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (phải quản lý tách biệt số tiền nhận ủy thác đầu tư của từng nhà đầu tư, quản lý tách biệt số tiền nhận ủy thác đầu tư của nhà đầu tư với số tiền tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài).

Tổ chức tự doanh chỉ được chuyển vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký hạn mức tự doanh. Tổ chức nhận ủy thác chỉ được chuyển vốn nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký hạn mức nhận ủy thác.

Các tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm: Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, Ngân hàng thương mại, Công ty tài chính tổng hợp, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

2. Hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Theo Điều 7 Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định có hai hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài như sau:

“Điều 7. Hình thức đầu tư gián tiếp ở nước ngoài

Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ở nước ngoài theo các hình thức sau:

1. Trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài.

2. Đầu tư thông qua việc mua, bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.”

Như vây, Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

3. Công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định tại Điều 8 Nghị định 135/2015/NĐ-CP Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài như sau:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể về loại, tiêu chí lựa chọn công cụ đầu tư ở nước ngoài trong từng thời kỳ.

- Nhà đầu tư chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

- Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp chỉ được tự doanh đầu tư, nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào công cụ đầu tư là trái phiếu, các công cụ trên thị trường tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Ngoài ra, Điều 4 Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài quy định:

- Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư sau đây:

+ Cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài;

+ Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán;

+ Trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu của Chính phủ và của các tổ chức phát hành được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế: Standard & Poor's, Moody's Investors Service và Fitch Ratings.

- Hoạt động mua, bán chứng chỉ tiền gửi của tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đầu tư.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư