2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Mục đích của việc giải quyết vụ việc phá sản thực chất là việc xử lý mối quan hệ về lợi ích tài sản giữa các chủ nợ với con nợ. Khi con nợ mất khả năng thanh toán thì cũng có nghĩa số nợ phải trả nhiều hơn khả năng tài chính hiện có của doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực tế này đặt ra vấn đề là con nợ sẽ thanh toán cho các chủ nợ số tiền như thế nào, phương án chia đều hay chia theo thứ tự đều được đưa ra cân nhắc. Để đảm bảo công bằng và các vấn đề về an sinh xã hội, Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 đã đưa ra thứ tự phân chia tài sản (hay còn gọi là thứ tự ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ).
Thứ tự phân chia tài sản là nguyên tắc xác định việc quyền lợi của chủ nợ nào sẽ được giải quyết trước khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Chủ nợ nào được ưu tiên giải quyết trước thì có thể lý giải rằng các chủ thể đó có vai trò quan trọng và cần được ưu tiên hơn so với các chủ nợ khác. Trong hoàn cảnh như vậy, việc chủ nợ nào được ưu tiên thanh toán trước, chủ nợ nào được thanh toán sau là vấn đề mà các chủ nợ luôn luôn quan tâm vì thứ tự đó ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích chính đáng của họ. Việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ được quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 như sau:
“Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.”
Như vậy, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi tuyên bố phá sản được phân chia theo thứ tự sau:
Thứ nhất, chi phí phá sản:
Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, các khoản nợ đối với người lao động:
Người lao động là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn từ vụ phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, một cú sốc về kinh tế với đối tượng này sau khi mất việc là điều chúng ta có thể dễ dàng thấy được. Chính vì lẽ đó, việc ưu tiên giải quyết các khoản nợ đối với họ là điều hết sức hợp lý. Các khoản nợ đối với người lao động gồm: Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
Thứ ba, khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thứ tư, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Quy định này đảm bảo được sự bình đẳng giữa các chủ nợ trong quan hệ phá sản dù chủ nợ đó là Nhà nước hay cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi coi các khoản nợ thuế bình đẳng như các khoản nợ của các chủ nợ khác. Quy định này được cho là khá tiến bộ và phù hợp với xu thế. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước là nợ Nhà nước. Chủ nợ Nhà nước là đối tượng có nguồn tài chính ổn định, rất khó để Nhà nước có thể bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp bị phá sản không thanh toán khoản nợ thuế này. Đồng thời quy định này còn thể hiện tinh thần Nhà nước chia sẻ rủi ro với các chủ nợ khi đứng trong một hàng thanh toán.
Có thể thấy, những chủ nợ ở hàng thanh toán đầu được pháp luật ưu tiên, mức độ ưu tiên giảm dần tư chi phí phá sản, đến các khoản nợ đối với người lao động, cuối cùng là các khoản nợ đối với các chủ nợ không có bảo đảm và bảo đảm một phần. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ (Khoản 3 Điều 54 Luật Phá sản năm 2014).
Sau khi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đã được phân chia và thanh toán đủ theo thứ tự trên đây mà vẫn còn thì được giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Phá sản năm 2014.
Theo đó, trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
- Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần.
- Thành viên của Công ty hợp danh.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh