Tài sản góp vốn gồm những loại nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về những loại tài sản góp vốn.

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Nhưng những loại tài sản vào có thể góp vốn vào công ty? Luật Hoàng Anh sẽ giải đáp câu hỏi này trong bài viết dưới đây.

Tài sản góp vốn được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 34. Tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”

Dựa theo quy định trên, xác định được các loại tài sản góp vồn gồm:

1. Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc vàng

Đây là tài sản góp vốn phổ biến của các nhà đầu tư bởi dễ xác định giá trị. Các đầu tư không cần mất thời gian, thủ tục để xác định giá trị của tài sản góp vốn mà nhà đầu tư sở hữu nếu góp tài sản đó. Bên cạnh đó, đây là đầu vào mà tất cả các doanh nghiệp đều cần. Tiền là loại vốn giúp doanh nghiệp dễ dàng định đoạt, dễ dàng sử dụng cho hoạt động của mình nhất. Công ty không cần băn khoăn tính phù hợp của tài sản góp vốn với kế hoạch kinh doanh của công ty cũng như thời gian sinh lời và hiệu quả đầu tư mà tài sản góp vốn mang lại.

2. Quyền sử dụng đất

Đây là tài sản các doanh nghiệp ưa chuộng bởi giá trị to lớn mà nó mang lại. Quyền sử dụng đất có thể được doanh nghiệp sử dụng làm văn phòng trụ sở làm việc hoặc đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì quyền sử dụng đất có thể đưa vào đầu tư kinh doanh thì càng có giá trị lớn. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý để góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đơn giản và nhanh gọn như góp vốn bằng tiền. Ngoài ra việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 như sau:

“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

3. Quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là loại tài sản được pháp luật ghi nhận. Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại… được hình thành từ quá trình lao động trí óc, do đó nó không thể cầm nắm được và cũng không thể chiếm hữu được về mặt vật lý. Dù là tài sản vô hình, nhưng nó vẫn có thể được định giá bằng tiền có thể trao đổi tương tự như tài sản hữu hình. Nhà đầu tư thường sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ sau để góp vốn:

- Quyền tài sản của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả các quyền liên quan. Tác giả của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các đối tượng quyền sở hữu do mình sáng tạo ra. Tuy nhiên, quyền nhân thân của tác giả gắn liền với tác giả và quyền này không thể chuyển giao và không thể góp vốn vào doanh nghiệp.

- Quyền sở hữu các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được sở hữu. Còn quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Trong một thế giới hiện đại mà công nghệ ngày càng chiếm ưu thế thì các đối tượng sở hữu trí tuệ ngày càng được ứng dụng nhiều trong kinh doanh thương mại và trở thành một tài sản kinh doanh có giá trị.

4. Công nghệ, bí quyết kỹ thuật

Luật chuyển giao công nghệ đưa ra các định nghĩa về công nghệ và bí quyết kỹ thuật như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bí quyết là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ. Bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ.

2. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.”

Đây là tài sản vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các công ty công nghệ, kỹ thuật bởi nó quyết định đến khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Trên thị trường kinh doanh khốc liệt, công ty nào có lợi thế về công nghề và bí quyết kỹ thuật thì công ty đó đang nắm giữa chìa khóa chủ chốt của sự thành công.

5. Các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam

Hoạt động góp vốn là hoạt động tạo lập tài sản chung của công ty. Có rất nhiều chủ thể muốn đầu tư kinh doanh, tuy nhiên tài sản họ có không phải là tiền hoặc quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu trí tuệ hay công nghệ, bí quyết kỹ thuật mà là tài sản khác, họ nhận thức được giá trị của tài sản mình có đối với hoạt động của công ty thì họ vẫn có thể thỏa thuận với các nhà đầu tư khác để được góp vốn bằng tài sản đó. Tuy nhiên, một điểm bắt buộc phải có của tất cả tài sản góp vốn là phải định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn tài sản góp vốn cũng như tự do thỏa thuận xác định những loại tài sản được góp vốn của các chủ thể muốn góp vốn kinh doanh. Khi mà đời sống vật chất xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp, các hình thức tài sản con người có được ngày càng phong phú.

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cần lưu ý rằng chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn kinh doanh, hạn chế tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, bất hợp pháp góp vốn vào công ty nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu sự trong sạch để trục lợi, gây phương hại đến lợi ích kinh tế của các chủ thể khác cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư