2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tài sản tạo nên "xương sống” cho quá trình gia nhập, phát triển hay rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, trong đó có công ty hợp danh. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về các loại tài sản trong công ty hợp. Luật Hoàng Anh xin trình bày vấn đề này dưới đây.
Các loại tài sản trong công ty hợp danh được quy định theo hướng liệt kê tại Điều 179 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 179. Tài sản của công ty hợp danh
Tài sản của công ty hợp danh bao gồm:
1. Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
2. Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
3. Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
4. Tài sản khác theo quy định của pháp luật.”
Dựa vào quy định pháp luật trên đây, có thể thấy, tài sản của công ty hợp danh bao gồm các loại tài sản sau:
Cá nhân, tổ chức khi trở thành thành viên công ty hợp danh phải góp vốn vào công ty. Khi góp vốn, thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của thành viên cho công ty không phải nộp lệ phí trước bạ, nhưng phải thực hiện để đảm bảo công ty có tài sản độc lập với các thành viên. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”
Như vậy, thành viên có thể góp vốn bằng tiền, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, giá trị quyền sử dụng đất, máy móc, thiết bị, tài sản hiện vật… Mặc dù trong công ty hợp danh, các thành viên liên kết với nhau bởi nhân thân, nhưng vì tài sản góp vốn chỉ trở thành tài sản của công ty khi đã được thành viên chuyển quyền sở hữu cho công ty. Do vậy, có thể hiểu rằng, chỉ những tài sản vô hình như kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, uy tín, danh tiếng… của thành viên khó có thể trở thành tài sản góp vốn vào công ty.
Toàn bộ phần vốn góp của thành viên hình thành vốn điều lệ của công ty. Vốn điều lệ là phần quan trọng nhất trong tài sản của công ty, là vốn thuộc quyền sở hữu của công ty. Đây là vốn do thành viên đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định. Nếu thành viên góp đủ, vốn điều lệ là toàn bộ phần vốn thành viên đã góp; còn nếu có thành viên không góp hoặc không góp đủ khi hết thời hạn cam kết, vốn điều lệ sẽ bị giảm tương ứng với số vốn khi góp đủ hoặc không góp của thành viên, nếu các thành viên khác không góp để bù vào phần thiếu đó.
Công ty hợp danh trong quá trình kinh doanh có thể mua sắm được những tài sản phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của công ty như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu. Tài sản này được mua bằng tiền của công ty để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của công ty. Do vậy, tài sản này được xác định là tài sản của công ty, được tạo lập mang tên công ty.
Tài sản của công ty hợp danh còn bao gồm các tài sản do các thành viên hợp danh thu được từ hoạt động kinh doanh của mình. Hoạt động kinh doanh mà thành viên hợp danh thực hiện có thể nhân danh công ty hoặc nhân danh cá nhân, nhưng phải vì lợi ích của công ty. Khi phát sinh lợi nhuận, lợi nhuận này thuộc tài sản của công ty chứ không thuộc tài sản của thành viên hợp danh. Quy định thể hiện sự linh hoạt của thành viên hợp danh và sự đa dạng về tài sản của công ty hợp danh.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có thể được tặng cho, được tài trợ, được nhận phần thừa kế của thành viên khi thành viên không có người thừa kế… tất cả những tài sản đó đều là tài sản của công ty, công ty có quyền dùng để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh