2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong thực tế, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị đệ đơn yêu cầu phá sản có nhiều trường hợp doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động kinh doanh nhằm vực dậy khỏi tình trạng nợ kéo dài. Do đó, vẫn tồn tại những hợp đồng đã được doanh nghiệp giao kết từ trước và đang có hiệu lực, chưa được thực hiện và đang được thực hiện. Việc thực hiện hợp đồng có thể có lợi cho doanh nghiệp cũng như có thể mang bất lợi thêm cho khối tài sản phá sản. Vì vậy, những hợp đồng có khả năng gây bất lợi bị đình chỉ để bảo vệ lợi ích của chủ nợ và doanh nghiệp. Thông qua việc đình chỉ thực hiện những hợp đồng bất lợi, tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ được bảo toàn.
Khoản 1 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định”
“Điều 61. Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp xử lý các khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại Điều 53 của Luật này.”
Tức là “xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp” phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của chủ nợ hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã. Do đó, chủ nợ hoặc doanh nghiệp, hợp tác mất khả năng thanh toán chỉ có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng và Tòa án sẽ có trách nhiệm xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu.
Theo Khoản 2 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014, văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng quy định phải có nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm.
- Tên, địa chỉ của người có yêu cầu.
- Số, tên hợp đồng; ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
- Bên giao kết với doanh nghiệp, hợp tác xã trong hợp đồng.
- Nội dung cụ thể của hợp đồng.
- Căn cứ của việc yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Việc yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quy định này bảo đảm sự can thiệp sớm và kịp thời của cơ quan Tòa án đối với những hợp đồng bất lợi cho tài sản của doanh nghiệp phá sản. Trong trường hợp Tòa án không mở thủ tục phá sản thì Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Khoản 4 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định:
“Điều 61. Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân phải xem xét các hợp đồng bị tạm đình chỉ quy định tại khoản 1 Điều này để ra một trong các quyết định sau:
a) Tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Đình chỉ thực hiện hợp đồng và giải quyết hậu quả theo quy định tại Điều 62 của Luật này.”
Như vậy, sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng để kịp thời ngăn chặn việc thực hiện hợp đồng sẽ gây bất lợi đến tài sản của doanh nghiệp. Sau đó, khi Tòa án xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét những hợp đồng bị tạm đình chỉ để quyết định tiếp tục thực hiện hợp đồng hay đình chỉ thực hiện hợp đồng. Những hợp đồng không gây bất lợi đến khối tài sản của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện. Ngược lại, những hợp đồng không có lợi đến tài sản của doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ.
Việc xác định thực hiện hợp đồng “không gây bất lợi” cho doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tham khảo tiểu mục 2.2 Mục I Phần IV Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản năm 2004:
“2.2. Việc xác định tính có lợi hơn cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đình chỉ thực hiện hợp đồng được thực hiện như sau:
a. Tạm tính các khoản lỗ, thiệt hại mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải gánh chịu nếu phải tiếp tục thực hiện hợp đồng;
b. Tạm tính các thiệt hại tài sản (với tư cách là hậu quả pháp lý xấu) mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải gánh chịu nếu đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng;
c. Nếu các thiệt hại tạm tính được hướng dẫn tại điểm b nhỏ hơn các thiệt hại được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 này, thì được coi là có lợi hơn cho doanh nghiệp.
2.3. Sau khi nhận được văn bản yêu cầu và các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho việc đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực có lợi hơn về mặt tài sản (vật chất) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, thì Thẩm phán phải xem xét ngay. Nếu xét thấy văn bản yêu cầu có căn cứ, thì chấp nhận và ra ngay quyết định đình chỉ thực hiện hợp đồng. Nếu xét thấy văn bản yêu cầu không có căn cứ, thì không chấp nhận và thông báo cho người có yêu cầu biết.”
Theo quy định tại Điều 62 Luật Phá sản năm 2014, thanh toán, bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị đình chỉ được thực hiện như sau:
Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán. Không thể hoàn trả được tài sản đã nhận bằng hiện vật trong các trường hợp sau đây: đã được đưa vào khai thác, sử dụng; đã bị mất mát, hư hỏng; đã được chuyển giao cho người khác và đã được đưa vào khai thác, sử dụng hoặc bị mất mát, hư hỏng hoặc quá thời hạn sử dụng; không còn giữ được chất lượng, chức năng, công dụng của tài sản mà do lỗi của bên nhận tài sản; đã bị mất mát một hoặc một số bộ phận nào đó của tài sản mà không thể khôi phục lại được theo nguyên trạng khi nhận.
Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh