Thế nào là tự doanh chứng khoán?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:39 (GMT+7)

khái niệm tự doanh chứng khoán theo Khoản 30 Điều 4 Luật chứng khoán 2019

1. Khái niệm tự doanh chứng khoán

Theo Khoản 30 Điều 4 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 quy định về khái niệm tự doanh chứng khoán như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

30. Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình.”

Trong đó chứng khoán có thể được hiểu là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành.

Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, theo Khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán thì chứng khoán bao gồm các loại sau đây: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

2. Phân loại tự doanh chứng khoán.

a. Hoạt động đầu tư ngân quỹ

Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng phải dự trữ cho mình một lượng tiền mặt nhất định để thực hiện chi trả và dự phòng cho các nhu cầu thanh toán hàng ngày. Yêu cầu này càng đặc biệt cấp thiết đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài tiền mặt, các khoản dự trữ này còn được thực hiện dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng và một số chứng khoán ngắn hạn, có tính lỏng cao, dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt. Hoạt động đầu tư ngân quỹ phát sinh nhằm giúp các ngân hàng, các công ty chứng khoán quản lý tốt khoản dự trữ này.

Bằng việc đầu tư số tiền tạm thời nhàn rỗi vào thị trường tiền tệ, họ đạt được cả hai mục đích: vừa đáp ứng nhu cầu thanh toán, vừa có mức sinh lời nhất định.

b. Hoạt động đầu tư chênh lệch giá

Kinh doanh chênh lệch giá là việc các nhà đầu tư mua chứng khoán ở một mức giá thấp và bán chúng ở một mức giá cao hơn, phần lợi nhuận thu về là phần chênh lệch giá.

Mục đích đầu tư ở đây là chỉ quan tâm đến chênh lệch giá cả trên thị trường để thực hiện đầu tư, tức là họ mong muốn tạo ra lợi nhuận nhưng không chịu rủi ro trên cơ sở khai thác sự không nhất quán về giá chứng khoán tại các thời điểm khác nhau và tại các thị trường khác nhau.

c. Hoạt động đầu cơ

Các Công ty chứng khoán tiến hành đầu cơ với hy vọng kiếm được lợi nhuận thông qua hành vi chấp nhận rủi ro về giá chứng khoán. Trong lĩnh vực chứng khoán, đầu cơ là việc mua, bán, nắm giữ, bán khống các loại chứng khoán nhằm thu lợi từ sự biến động giá mạnh của chúng.

Cơ sở đầu cơ của họ là: tại một ngày nhất định trong tương lai giá chứng khoán  sẽ tăng hơn giá ở thời điểm hiện tại. Do đó, khi đầu cơ, Công ty chứng khoán sẽ mua vào tại thời điểm giá chứng khoán thấp để bán số chứng khoán đó với giá cao hơn trong tương lai.

Những Công ty chứng khoán này sẵn sàng chấp nhận thua lỗ cao nếu gặp rủi ro nhưng lại có thể đạt được những khoản lợi khổng lồ. Hoạt động đầu cơ thường chỉ được thực hiện trong ngắn hạn và chỉ những Công ty chứng khoán cần tích tụ nhiều vốn, đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, có chính sách đầu tư mạo hiểm mới thực hiện hoạt động này.

d. Hoạt động đầu tư phòng vệ

Công ty chứng khoán thực hiện hoạt động đầu tư phòng vệ với mục đích tự bảo vệ trước sự biến động của giá chứng khoán. Để thực hiện được mục đích đó, các Công ty chứng khoán phải sử dụng đến các công cụ phòng vệ như option, future, swap…

Đây là một loại đầu tư được thực hiện để làm giảm hoặc loại trừ rủi ro xảy đến với một loại đầu tư khác, trong khi vẫn đảm bảo một mức lợi nhuận khi thực hiện thương vụ.

e. Hoạt động tạ lập thị trường

Tạo lập thị trường là hoạt động của Công ty chứng khoán trong đó công ty chấp nhận rủi ro nắm giữ một khối lượng nhất định của một loại chứng khoán nhất định để hỗ trợ, thúc đẩy giao dịch đối với loại chứng khoán đó.

Khi đã đóng vai trò nhà tạo lập thị trường, Công ty chứng khoán  thường xuyên yết lên các mức giá chào mua, chào bán và thực hiện mua bán theo các mức giá đó.

f. Hoạt động đầu tư nắm quyền kiểm soát

Mục đích của Công ty chứng khoán ở đây là thao túng và nắm quyền kiểm soát các tổ chức phát hành do vậy Công ty chứng khoán sẽ sẵn sàng chấp nhận một chi phí lớn nhưng hợp lý để nắm được quyền kiểm soát và trong tương lai kỳ vọng có thể thao túng những tổ chức đó và thu được những nguồn lợi cao.

Luật pháp có qui định tỷ lệ công ty chứng khoán được phép sở hữu tại công ty niêm yết và chưa niêm yết.

3. Các hình thức giao dịch trong hoạt động tự doanh

- Giao dịch gián tiếp: Công ty chứng khoán đặt các lệnh mua và bán chứng khoán trên Sở giao dịch, lệnh của họ có thể thực hiện với bất kì khách hàng nào không được xác định trước.

- Giao dịch trực tiếp: Là giao dịch tay đôi giữa hai công ty chứng khoán hay giữa công ty chứng khoán với một khách hàng thông qua thương lượng. Đối tượng của các giao dịch trực tiếp là các loại chứng khoán đăng kí giao dịch ở thị trường OTC.

 (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 2018, NXB Tài chính)

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật chứng khoán.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư