Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thuộc diện chấp thuận đầu tư được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:18 (GMT+7)

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thuộc diện chấp thuận đầu tư

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là văn bản ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sự xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu như đối với dự án đầu tư trong nước việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một thủ tục bắt buộc đối với một dự án đầu tư do các nhà đầu tư nước ngoài hay tổ chức kinh tế có đa số vốn đầu tư nước ngoài triển khai thì đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài điều kiện này mang tính chất bắt buộc đối với tất cả các dự án đầu tư. Thủ tục này thật ra nhằm bảo đảm quản lý được các hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với mục tiêu của nhà nước Việt Nam đặt ra. Dưới đây, Luật Hoàng Anh xin được trình bày về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án thuộc diện chấp thuận đầu tư.

1. Hồ sơ dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Theo Khoản 1 Điều 57 Luật đầu tư 2020 và Điều 75 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP thì hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:

- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có); phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án;

- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, trường hợp nhà đầu tư nộp văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ thì nộp kèm theo văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư;

- Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;

- Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật đầu tư 2020 hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật đẩu tư 2020;

- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

- Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 73 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

- Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Điều 74 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

- Báo cáo về việc cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay gồm các nội dung: tên bên đi vay; tổng số tiền cho vay; mục đích, điều kiện cho vay; kế hoạch giải ngân; kế hoạch thu hồi nợ; biện pháp bảo đảm tài sản và phương thức xử lý tài sản bảo đảm (nếu có); phương án cân đối nguồn ngoại tệ để thực hiện cho vay; đánh giá khả năng tài chính của bên đi vay; mức độ rủi ro và dự kiến các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với khoản cho vay đối với trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung nhà đầu tư cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay để thực hiện dự án đầu tư..

- Tài liệu xác định việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh đối với trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung nhà đầu tư bảo lãnh cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay để thực hiện dự án đầu tư.

2. Trình tư, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo Điều 76 nghị định số 31/2020/NĐ-CP quy định trình tư, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài cụ thể như sau:

- Trình tự, thủ tục đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Đầu tư và quy định riêng của Chính phủ về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia.

Xem thêm: Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội được quy định như thế nào?

- Trình tự, thủ tục đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ thực hiện như sau:

+ Nhà đầu tư kê khai thông tin Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và nộp 08 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 15 ngày tiếp theo. Hồ sơ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận khi có đủ đầu mục tài liệu và số lượng theo quy định;

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính hoặc đăng ký thường trú;

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình hoặc nội dung được phân công gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 của Luật Đầu tư dưới đây, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài;

“a) Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 60 của Luật này;

b) Tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

c) Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài;

d) Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

đ) Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn;

e) Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư.”

+ Trong quá trình thẩm định hồ sơ, nếu có nội dung cần làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo cho nhà đầu tư. Trường hợp sau khi đã giải trình, bổ sung mà dự án không đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư về việc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo các nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 của Luật Đầu tư dưới đây;

“a) Nhà đầu tư thực hiện dự án;

b) Mục tiêu, địa điểm đầu tư;

c) Vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài;

d) Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).”

+ Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, sau khi có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quyết định đầu tư ra nước ngoài;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ và quyết định đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư, trong đó ghi nhận mã số dự án đầu tư theo quy định tại Điều 37 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đồng thời sao gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính hoặc đăng ký thường trú, cơ quan thuế nơi xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhà đầu tư (nếu có);

Xem thêm: Mã số dự án đầu tư là gì?

+ Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đầu tư.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư