2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Kiểm soát viên là người có trách nhiệm giám sát các hoạt động của công ty, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc và các chức vụ quản lý khác của công ty. Trách nhiệm giám sát của Kiểm soát viên nhằm mục đích tránh trường hợp các cấp quản lý công ty lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình vào lợi ích riêng, không vì lợi ích công ty hoặc thậm chí gây thiệt hại cho công ty; bảo đảm công ty hoạt động đúng với mục tiêu, phương hướng đề ra; bảo đảm tài sản nhà nước không bị thất thoát. Với nhiệm vụ quan trọng như vậy nên Kiểm soát viên trong doanh nghiệp Nhà nước được lựa chọn kĩ lưỡng, theo tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe hơn các chức vụ quản lý khác.
Tiêu chuẩn và điều kiện đối với Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Khoản 3 Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 103. Ban kiểm soát, Kiểm soát viên
3. Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc; Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc;
b) Không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty;
c) Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của công ty; thành viên Hội đồng thành viên của công ty; Chủ tịch công ty; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Kiểm soát viên khác của công ty;
d) Tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.”
Theo đó, tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước bao gồm:
Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc; Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc.
Như vậy, về trình độ chuyên môn, so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đòi hỏi Kiểm soát viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành theo quy định chứ không chỉ dừng lại ở việc “được đào tạo” như Luật Doanh nghiệp năm 2014. Về chuyên ngành đào tạo, ngoài các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn mở rộng cho phép thêm ở các chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không nhất thiết phải bó hẹp trong phạm vi một trong các chuyên ngành quy định.
Về kinh nghiệm công tác, đối với Trưởng Ban kiểm soát phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc nhưng không đòi hỏi công việc đó phải liên quan đến chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh.
Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty.
Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước. Điều đó đồng nghĩa với việc, một cá nhân có thể đồng thời là Kiểm soát viên của nhiều doanh nghiệp Nhà nước. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước”.
Quy định về kiêm nhiệm này nhằm giảm áp lực cho Kiểm soát viên khi họ thực thi nhiệm vụ của mình. Kiểm soát viên chỉ phục vụ và toàn tâm cho việc giám sát hoạt động điều hành và quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, nếu Kiểm soát viên không phải là người quản lý hay người lao động của công ty thì khó nắm bắt kịp thời những vấn đề xảy ra trong hoạt động của công ty cũng như việc nắm bắt những thông tin trong hoạt động của công ty cũng có nhiều hạn chế.
Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của công ty; thành viên Hội đồng thành viên của công ty; Chủ tịch công ty; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Kiểm soát viên khác của công ty.
Những người có quan hệ gia đình được liệt kê cụ thể lại Khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng.
Quy định này nhằm hạn chế việc Kiểm soát viên bị chi phối bởi những người quản lý, điều hành công ty, làm ảnh hưởng đến khả năng và chất lượng thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, Kiểm soát viên doanh nghiệp Nhà nước còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh