Tòa án giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn khi nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:11 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn

Quá trình giải quyết một vụ phá sản thông thường có thể bao gồm nhiều thủ tục, giai đoạn khác nhau, từ thủ tục gửi đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản; mở thủ tục giải quyết phá sản; Hội nghị chủ nợ, thủ tục phục hồi doanh nghiệp, nếu không phục hồi được thì sẽ chuyển sang giai đoạn tuyên bố doanh nghiệp phá sản và thanh lý tài sản. Trong thực tiễn, có những trường hợp doanh nghiệp hầu như không còn tài sản gì đáng kể việc thực hiện các thủ tục như trên là không thực tế, mang tính hình thức, gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho cả doanh nghiệp mắc nợ, các chủ nợ, cả Tòa án và các chủ thể có liên quan. Vì vậy, pháp luật về phá sản đã quy định về việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn. Cụ thể như sau:

1. Các trường hợp giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn

Khoản 1 Điều 105 Luật Phá sản năm 2014 quy định:

Điều 105. Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn

1. Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:

a) Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật này mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

b) Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.”

Như vậy, Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:

a. Thời điểm sau giai đoạn nộp đơn.

Trường hợp tuyên bố phá sản ngay sau khi nộp đơn xảy ra với hai điều kiện:

Thứ nhất, chủ thể nộp đơn là những chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn, bao gồm: (i) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; (ii) Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không trả được các khoản nợ đến hạn, những chủ thể nêu trên có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu những chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn không nộp đơn yêu cầu mở thục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải chịu rách nhiệm bằng tài sản cá nhân của mình đối với các thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn gây ra.

Thứ hai, doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền, tài sản khác để nộp lê phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Người nộp đơn phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Lệ phí phá sản được tính căn cứ theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. Chi phí phá sản là số tiền phải chi trả cho việc giải quyết vụ việc phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

b. Thời điểm sau giai đoạn thụ lý đơn

Trường hợp tuyên bố phá sản sau khi thụ lý đơn xảy ra với hai điều kiện:

Thứ nhất, chủ thể nộp đơn là những chủ thể có quyền nộp đơn, bao gồm: (i) Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần; (ii) Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; (iii) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định; (iv) Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.

Thứ hai, doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Trường hợp này được hiểu là người yêu cầu mở thủ tục phá sản đã nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất thanh toán nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán lại không còn đủ tiền, tài sản để thanh toán chi phí phá sản (bao gồm: chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật….).

2. Hậu quả pháp lý

Trường hợp Tòa án nhân dân xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp quy định, Tòa án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, Tòa án nhân dân xem xét, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết.

Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản thì người nộp đơn không được hoàn lại lệ phí phá sản, tiền tạm ứng chi phí phá sản đã nộp.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Phá sản

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư