Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn xét xử phúc thẩm?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:22 (GMT+7)

Bài viết quy định thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 347 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế được quy định như sau:

“Điều 347. Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn khác, biện pháp cưỡng chế do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định.

2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 346 của Bộ luật này.

Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.

Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án.

Thời hạn tạm giam là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn này để tranh bị cáo gây khó khăn, cản trở cho việc xét xử phúc thẩm và bảo đảm việc thi hành án. BLTTHS 2015 đã sửa đổi cụm từ “sau khi nhận hồ sơ vụ án” trong BLTTHS 2003 thành “sau khi thụ lý hồ sơ vụ án” để bảo đảm thuật ngữ pháp lý được chính xác hơn.

Điều luật quy định thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam thuộc về Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định. Để bảo đảm quyết định bắt và tạm giam được thi hành ngay và đúng pháp luật thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm giam bị cáo nếu trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm, cũng như qua diễn biến xét xử tại phiên tòa nếu thấy có đầy đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn khác, biện pháp cưỡng chế do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định. Quy định mới này phân biệt rõ thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế giữa Chánh án, Phó Chánh án và thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nhờ đó việc áp dụng các biện pháp này cũng nhanh chóng, kịp thời hơn.

Điều luật quy định thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 346 của BLTTHS 2015, cụ thể:

“Điều 346. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;

b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.

4. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.”

Để đảm bảo tính liên tục, chặt chẽ và thuận lợi cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Tòa án cấp phúc thẩm, BLTTHS 2015 bổ sung quy định: “Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới”.

Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của BLTTHS. Đó là trường hợp bị cáo xử phạt tù nhưng được hưởng án treo và thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử co thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án. Thời hạn tạm giam là 45 ngày kể từ ngày tuyên án. Đây là thời hạn đủ để cho Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản án cho Tòa án sơ thẩm để Tòa án này quyết định thi hành hình phạt tù. Việc tạm giam bị cáo trong các trường hợp trên do Hội đồng xét xử quyết định khi nghị án và phải được ghi vào biên bản nghị án và bản án.

Ngoài ra, việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP:

Điều 12. Áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

1. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng.

2. Khi quyết định tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thống nhất bằng văn bản xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc.”

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư