Biên bản phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:16 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung của biên bản phiên tòa theo quy định của BLTTHS 2015.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) biên bản phiên tòa được quy định như sau:

“Điều 258. Biên bản phiên tòa

1. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.

2. Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày và quyết định tại phiên tòa đều được ghi vào biên bản.

3. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.

4. Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về biên bản phiên tòa

Biên bản phiên tòa là văn bản tố tụng thể hiện toàn bộ diễn biến phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Biên bản phiên tòa là một trong những tài liệu quan trọng giúp cho Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xem xét lại quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự. Yêu cầu của việc ghi biên bản phiên tòa là phải ghi đầy đủ và khách quan diễn biến phiên tòa.

Nội dung được thể hiện trong biên bản phiên tòa bao gồm: ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa, những câu hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những câu trả lời, yêu cầu hoặc đề nghị bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, lời tranh luận, đối đáp của những người tham gia tranh luận và lời nói sau cùng của bị cáo và các diễn biến khác ở phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi tuyên án. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.

Ngoài những nội dung trên, quyết định tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản. Như vậy, những quyết định mà Hội động xét xử thảo luận và quyết định tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Đối với những quyết định mà Hội đồng xét xử xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập thành văn bản quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS thì chỉ ghi vào biên bản phiên tòa việc HĐXX ban hành quyết định đó.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó. Đây là thủ tục bắt buộc. Vì vậy, Chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký cùng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và khách quan của những nội dung được thể hiện trong biên bản phiên tòa.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên tòa, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận. Tuy nhiên, về thời điểm thì những người nêu trên chỉ có quyền xem biên bản phiên tòa sau khi Chủ tọa phiên tòa và Thư ký tòa án ký vào biên bản phiên tòa.

Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào biên bản phiên tòa. Người nào có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì ghi tư cách tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng và họ tên của người đó. Tiếp theo ghi những vấn đề được ghi trong biên bản phiên tòa có yêu cầu sửa đổi, bổ sung và những sửa đổi, bổ sung cụ thể. Nếu có nhiều người yêu cầu thì ghi thứ tự từng người một. Sau đó người có yêu cầu phải ký xác nhận.

Ví dụ: Trường hợp có 1 người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì ghi: “Những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Văn H: vấn đề được ghi tại dòng (các dòng) từ trên xuống (hoặc từ dưới lên) trang số 2 của biên bản phiên tòa yêu cầu ghi sửa đổi bổ sung như sau..”

Người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa phải cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa, nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư