BLTTHS 2015 quy định về điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:42 (GMT+7)

Bài viết trình bày về điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 447 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như sau:

“Điều 447. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

2. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.”

2. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Bắt buộc chữa bệnh là một biện pháp tư pháp, áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù (theo quy định tại Điều 49 BLHS 2015).

+ Điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng khi có đầy đủ 02 điều kiện:

Thứ nhất, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

Thứ hai, có kết luận giám định pháp y tâm thần, kết luận người đó không có năng lực trách nhiệm hình sự

Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, tùy theo từng giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (trong trường hợp giám định pháp y tâm thần kết luận người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, tức có nghĩa họ không có năng lực trách nhiệm hình sự) hoặc quyết định truy tố, đưa ra xét xử (nếu giám định pháp y tâm thần kết luận người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự).

+ Thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh:

- Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố;

- Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

CQĐT không có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trong giai đoạn điều tra, nếu có căn cứ, cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần và yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Pháp luật không quy định thời hạn biện pháp bắt buộc chữa bệnh, người bị bắt buộc chữa bệnh phải chữa bệnh ở cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần cho đến khi khỏi bệnh. Hiện nay, ở nước ta những cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh gồm có:

- Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương và bệnh viện tâm thần Trung ương 1 (Thường tín, Hà Nội) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Bắc;

- Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên;

- Phân viện giám định pháp y tâm thần phía Nam và Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (Biên hòa, Đồng Nai) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Nam.

 Như vậy, Điều luật được xây dựng trên cơ sở Điều 311 BLTTHS 2003, bổ sung thêm cụm từ “tâm thần” vào cuối khoản 1. Sự bổ sung này xác định rõ: Nếu có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần chứ không phải là giám định pháp y chung chung như quy định tại Điều 311 BLTTHS 2003.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư