BLTTHS 2015 quy định về triệu tập bị can như nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:12 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung triệu tập bị can trong quá trình hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) triệu tập bị can được quy định như sau:

Điều 182. Triệu tập bị can

1. Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

2. Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.

Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận và ghi rõ giờ, ngày nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can; nếu bị can không ký nhận thì lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho người thân thích của bị can có đủ năng lực hành vi dân sự để ký xác nhận và chuyển cho bị can.

3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.

4. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.”

2. Quy định của BLTTHS về triệu tập bị can.

Giấy triệu tập bị can được sử dụng để yêu cầu bị can đang tại ngoại hoặc đang bị tạm giam đến CQĐT để hỏi cung, đối chất hoặc theo các yêu cầu khác của hoạt động điều tra. Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập.

Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Do yêu cầu cấp bách của hoạt động điều tra cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.

Bị can được giải thích quyền và nghĩa vụ khi khởi tố bị can được quy định tại Điều 60 BLTTHS 2015, cụ thể:

“Điều 60. Bị can

1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

2. Bị can có quyền:

a) Được biết lý do mình bị khởi tố;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

c) Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

g) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;

k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Bị can có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

4. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị can có yêu cầu quy định tại điểm i khoản 2 Điều này.”

Như vậy, trong quyền và nghĩa vụ của bị can có nghĩa vụ bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do vậy, khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận và ghi rõ giờ, ngày nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can.

Nếu bị can không ký nhận thì lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho người thân thích của bị can có đủ năng lực hành vi dân sự để ký xác nhận và chuyển cho bị can. Việc quy định phải có chữ ký của bị can hoặc người nhận giấy triệu tập để tránh thất lạc giấy triệu tập nhằm đảm bảo cho bị can có mặt theo đúng thời gian ghi trong giấy triệu tập.

Bị can đang bị tạm giam thì giấy triệu tập được gửi thông qua Ban giám thị trại giam. Theo quy định của pháp luật, bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải. Sự vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại như đau ốm, bão lụt, bị ngập đường, tai nạn xe, gia đình có tang lễ. Những lý do vắng mặt phải được lập biên bản và báo cho Điều tra viên đã ký giấy triệu tập.

Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Chẳng hạn hồ sơ vụ án đã chuyển cho Viện kiểm sát mà trong lời khai của bị can có những vấn đề còn thiếu, chưa rõ hoặc phát hiện tài liệu, chứng cứ khác trong vụ án có những mâu thuẫn với lời khai của bị can cần hỏi cung bị can để làm rõ hoặc cần tiếp xúc với bị can để xem xét có phù hợp với tài liệu mà CQĐT đã thu thập hay không,thì Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư