2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã đối mặt với rất nhiều đợt bùng phát dịch bệnh covid-19. Mục tiêu đầu tiên của đất nước là chiến thắng đại dịch, tuy nhiên vân phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó tập trung chính vào nội dung dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025:[1]
Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) được ban hành là sự thể chế hoá đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta bằng pháp luật; trong đó Bộ luật hình sự đã dành chương XVIII quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhằm góp phần thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước.
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý nền kinh tế.
Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gồm có 47 điều quy định về các tội phạm khác nhau nhằm bảo vệ các quan hệ kinh tế của nước ta trong thời kỳ đổi mới gồm:
Điều 188. Tội buôn lậu
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi
Điều 196. Tội đầu cơ
Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
Điều 199. Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
Điều 200. Tội trốn thuế
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Điều 202. Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả
Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Điều 204. Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách
Điều 205. Tội lập quỹ trái phép
Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Điều 208. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác
Điều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán
Điều 210. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán
Điều 211. Tội thao túng thị trường chứng khoán
Điều 212. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
Điều 214. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Điều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế
Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Điều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 221. Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 223. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Điều 231. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ
Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Điều 233. Tội vi phạm quy định về quản lý rừng
Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xâm phạm đến các quan hệ xã hội bảo đảm cho sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân. Đó là chế độ quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích, tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng,... được thể chế hoá trong những quy định pháp luật của Nhà nước.
Mặt khách quan của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thể hiện ở các hành vi cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế ở các mức độ khác nhau với mục đích vụ lợi. Hành vi phạm tội được thực hiện có thể là hành động hoặc không hành động và đã gây ra hoặc đe doạ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân hoặc cho từng ngành, lĩnh vực nhất định. Hậu quả có thể ở những mức độ rất khác nhau (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) như: làm rối loạn thị trường, mất cân đối cung cầu, làm ảnh hưởng xấu tới nền sản xuất hàng hoá trên đất nước ta; thậm chí có những tội phạm còn làm cho người tiêu dùng thiệt hại không những cả về vật chất, sức khoẻ mà có khi còn nguy hiểm tới tính mạng... Đối với một số tội, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Chủ thể của tội phạm có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội xâm phạm trật tự quản lý kinh kế phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:
“Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2013:
“Điều 75. Pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại là một quy định hoàn toàn mới, lần đầu được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, điều kiện chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự như sau:
“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”
Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi thực hiện hành vi, người phạm tội đều ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhưng vẫn cố ý thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc với ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội chủ yếu là vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Xem thêm:Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự
Luật Hoàng Anh
[1] http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50844&idcm=188, truy cập ngày 02/08/2021;
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh