2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Căn cứ Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định như sau:
“Điều 398. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.”
Điều luật này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 291 BLTTHS 2003.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.
Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật là những chứng cứ hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Cùng với lời khai nhận tội của bị can, bị cáo, những chứng cứ này là cơ sở cho việc quy kết hoặc không quy kết trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo cũng như để giải quyết các vấn đề khác của vụ án hình sự (áp dụng hình phạt bổ sung, xác định nghĩa vụ bồi thường, xử lý vật chứng). Lời khai của người làm chứng, kết quả giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật sẽ dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch, dẫn đến kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt người phạm tội.
Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 382 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối; còn “ những điểm quan trọng không đúng sự thật” được pháp luật tố tụng coi là một căn cứ để kháng nghị tái thẩm.
Thứ hai, có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Đây là trường hợp vụ án có những tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm không biết được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án nên đã đưa ra kết luận không đúng, dẫn đến việc làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phản ánh không đúng sự thật khách quan của vụ án. Những tình tiết này có thể phát sinh từ nhiều nguồn, song phần lớn là từ những người tham gia tố tụng đã cố ý hoặc vô ý che giấu, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ cho CQĐT, truy tố, xét xử trong quá trình giải quyết vụ án. Ví dụ biết rõ kẻ phạm tội nhưng che giấu, khai cho một người khác là người thực hiện phạm tội.
Thứ ba, vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án là cơ sở để các CQTHTT giải quyết vụ án Việc các chứng cứ của vụ án, những vật chứng của vụ án bị tạo dựng, làm giả hoặc bị làm sai lệch, phản ánh không đúng thực tế khách quan sẽ gây hậu quả tất yếu là những người tiến hành tố tụng không biết được chúng ta đã bị thay đổi, không còn mang thuộc tính khách quan của chứng cứ nữa nên đã dẫn đến việc ra bản án phản ánh không đúng sự thật khách quan của vụ án. Đây cũng là một căn cứ để kháng nghị tái thẩm.
Cuối cùng là những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Trên thực tế trong quá trình xét xử còn có thể phát sinh những tình tiết ngoài những tình tiết cơ bản đã được liệt kê nên ngoài những tình tiết nêu trên, Điều 398 BLTTHS 2015 cũng đã đưa ra quy định khái quát “những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án” cũng là một căn cứ để kháng nghị tái thẩm. Đây là những tình tiết không liên quan đến ba nhóm tình tiết nêu trên, có thể hoàn toàn mang yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng.
Qua đây ta thấy, Điều luật được xây dựng trên cơ sở Điều 291 BLTTHS 2003 nhưng đã được sửa đổi, bổ sung về mặt diễn đạt cho rõ ràng, tránh sự vận dụng một cách tùy tiện. Ví dụ ở căn cứ thứ nhất, Điều 291 BLTTHS 2003 quy định “Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật” Với quy định này rất dễ dẫn đến việc áp dụng một cách tùy tiện để kháng nghị tái thẩm vì sự phát hiện có thể là đúng hoặc không đúng. Khắc phục những hạn chế nói trên, Điều 398 BLTTHS 2015 quy định thêm cụm từ “có căn cứ chứng minh” vào đầu Điều khoản, cụ thể là: “Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật”.
Ngoài ra, Điều luật cũng quy định bổ sung một số loại chứng cứ có thể ảnh hưởng đến việc Tòa án đưa ra phán quyết khách quan, đúng pháp luật như bổ sung “kết luận định giá tài sản” và “bản dịch thuật” vào căn cứ thứ nhất hay làm rõ các yếu tố khách quan khiến cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm không biết được mà kết luận không đúng (khoản 2 Điều 291 BLTTHS 2003 chỉ quy đinh: “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai” quy định này dễ dẫn đến việc quy kết ý thức chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm là căn cứ để kháng nghị tái thẩm, trong khi đó, ý thức chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm dẫn đến việc ra bản án không đúng pháp luật được coi là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là một trong những căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm (theo khoản 3 Điều 371 BLTTHS 2015).
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh