Chủ thể nào có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:23 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các chủ thể có quyền được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 373 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau:

“Điều 373. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức TAND 2014 thì tổ chức Tòa án ở nước ta gồm có:Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và Tòa án quân sự, cụ thể tại Điều 50 Luật tổ chức TAND 2014, quy định về tổ chức Tòa án quân sự như sau:

“Điều 50. Tổ chức Tòa án quân sự

1. Tòa án quân sự trung ương.

2. Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

3. Tòa án quân sự khu vực.”

Về quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Điều luật quy định:

a, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hiện nay, TANDCC được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Cụ thể:

- Tòa án cấp cao ở Hà Nội có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở phía bắc bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

- Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Đà Nẵng; các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

- Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần Thơ; các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.

Theo quy định trên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của 03 TANDCC ở 3 miền nói trên; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác (TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu) khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

b, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

c, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Ví dụ: Chánh án TANDCC tại Hà Nội có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi 28 tỉnh phía Bắc.

Như vậy, so với Điều luật được quy định tại BLTTHS 2003 đến BLTTHS 2015 đã có những điểm mới nổi bật như: đã quy định cụ thể thẩm quyền của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TAQS trung ương và Viện trưởng VKSQS trung ương trong việc kháng nghị đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Điều luật đã bỏ thẩm quyền kháng nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Chánh án TAQS cấp quân khu và Viện trưởng VKSQS cấp quân khu; quy định thêm về thẩm quyền của Chánh án TANDCC, Viện trưởng VKSNDCC trong việc kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư