Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến tại phiên tòa xét xử?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:20 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến nhằm làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 317 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến được quy định như sau:

“Điều 317. Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến

Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về việc Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến.

Điều luật quy định việc Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến nhằm làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có vi phạm tố tụng hay không.

Theo quy định tại Điều luật này, những người có thẩm quyền yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến bao gồm: Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa.

Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên BLTTHS không quy định rõ trường hợp nào là cần thiết để triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đến phiên Tòa. Qua thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự do Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Công an nhân dân tiến hành điều tra cho thấy một số trường hợp sau đây được coi là cần thiết triệu tập Điều tra viên đã thụ lý điều tra vụ án đến phiên Tòa để Hội đồng xét xử làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng của họ:

- Thứ nhất, kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án và xét hỏi tại phiên toà phản ánh quá trình điều tra, ban đầu bị cáo nhận tội, sau đó phản cung không khai nhận hành vi phạm tội và tại phiên tòa bị cáo có khiếu nại hoặc tố cáo cho rằng Điều tra viên đã có những hành vi bức cung, dùng nhục hình buộc bị cáo phải khai theo theo ý chủ quan của Điều tra viên, các nội dung ghi nhận tội trong các biên bản hỏi cung bị can là do Điều tra viên ép phải khai, không khách quan, không phản ánh sự thật của vụ án.

- Thứ hai, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án, bị cáo có đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh trong quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên đã có hành vi bắt bị can ký khống các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, sau đó tự điền nội dung lời khai theo ý của Điều tra viên, dẫn đến nội dung lời khai của bị cáo không đúng với ý chí của bị cáo. Nhưng đến phần xét hỏi, vẫn chưa làm rõ được tính khách quan của lời tố cáo của bị cáo.

- Thứ ba, tại phiên tòa xét xử vụ án, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị cáo, người làm chứng, người bị hại và người liên quan có ý kiến cho rằng nội dung bản kết luận điều tra vụ án của Cơ quan điều tra là không có căn cứ, không khách quan, không đúng với bản chất nội dung vụ án.

- Thứ tư, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử thấy có dấu hiệu xác định Điều tra viên đã thực hiện các hành vi tố tụng trái pháp luật (xử lý vật chứng không đúng quy định, có dấu hiệu sửa chữa nội dung các biên bản điều tra; việc thu thập tài liệu, chứng cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định của khoản 1, Điều 6, TTLT số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 xét thấy cần thiết phải triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ.

- Thứ năm, những người tham gia tố tụng khác (Người làm chứng; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; Người chứng kiến) có ý kiến cho rằng quá trình điều tra, Điều tra viên không đảm bảo quyền của họ khi tham gia tố tụng như từ chối yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự; không phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ khi được Cơ quan điều tra triệu tập đến làm việc.

- Thứ sáu, trong giai đoạn xét xử đối với vụ án, Hội đồng xét xử có nghi ngờ về tính khách quan của các tài liệu, chứng cứ chứng minh do Điều tra viên đã thu thập trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cần thiết phải triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư