Giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:23 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cho nên nội dung của nó phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của hội đồng xét xử.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 365 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án được quy định như sau:

“Điều 365. Giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án

1. Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án.

Thực tiễn thi hành BLTTHS 2003 cho thấy khá nhiều bản án, quyết định của Tòa án có nội dung không rõ, dẫn đến công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân chưa được bảo vệ kịp thời, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, tuy nhiên, pháp luật vẫn còn thiếu những quy định để khắc phục thiếu sót này. Vì vậy, BLTTHS 2015 đã bổ sung điều luật mới quy định về việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án.

Hiện nay, pháp luật về tố tụng hình sự chưa quy định “những điểm chưa rõ” trong bản án, quyết định được đưa ra thi hành là những điểm nào? Tuy nhiên, tham khảo pháp luật về thi hành án dân sự ta thấy, tại Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01 tháng 8 năm 2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự có quy định: Trường hợp phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu có nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, sửa chữa lỗi chính tả hoặc số liệu nhầm lẫn. Như vậy, có thể hiểu việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án chỉ ra những lỗi chính tả số liệu có nhầm lẫn hoặc tính toán sai chứ không được làm thay đổi nội dung bản án đã tuyên.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành án bao gồm:

a, Cơ quan thi hành án hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật thi hành án hình sự 2010:

- Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);

- Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).

b, Viện kiểm sát: VKSNDTC, VKSNDCC, VKSND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; VKSQS các cấp.

c, Người bị kết án: Là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

d, Bị hại: theo Điều 62 BLTTHS 2015: Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

đ, Đương sự liên quan đến việc thi hành án quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án trong vụ án hình sự.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của bộ luật tố tụng hình sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư