Hoạt động điều tra nhận dạng là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:12 (GMT+7)

Bài viết trình bày về hoạt động điều tra nhận dạng theo quy định của pháp luật.

Chủ thể nhận dạng có thể là người làm chứng, bị hại hoặc bị can. Đối tượng nhận dạng có thể là người, ảnh hoặc vật. Mục đích của việc tiến hành nhận dạng là nhằm xác nhận sự giống hay khác nhau giữa đối tượng nhận dạng với hình ảnh của đối tượng mà người nhận dạng đã tri giác trước đây. Qua việc nhận dạng có thể xác định được người phạm tội, vật chứng của vụ án.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) nhận dạng được quy định như sau:

“Điều 190. Nhận dạng

1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận dạng:

a) Người làm chứng, bị hại hoặc bị can;

b) Người chứng kiến.

3. Nếu người làm chứng hoặc bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

5. Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về nhận dạng trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.

Nhận dạng là một hoạt động điều tra nhằm xác định sự đồng nhất hay khác biệt giữa đối tượng nhận dạng với đối tượng có liên quan đến vụ án mà người nhận dạng còn nhớ được. Đối tượng để nhận dạng có thể là người, vật, ảnh (nếu không có điều kiện nhận dạng trực tiếp).

Người nhận dạng có thể là người làm chứng, người bị hại hoặc bị can, người chứng kiến. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể mời người hoặc đưa vật, ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Cơ sở khoa học để tiến hành nhận dạng chính là những đặc điểm riêng biệt, ổn định của người, ảnh hoặc vật mà con người đã quan sát, nhận biết được để so sánh với người, ảnh hoặc vật nghi vấn có liên quan đến vụ án. Như vậy, bản chất của hoạt động nhận dạng là hoạt động so sánh trong nhận thức. Vì vậy, nó phụ thuộc vào trình độ văn hóa, thời gian, khoảng cách, ánh sáng và những điều kiện khác mà họ đã quan sát đối tượng nhận dạng. Ví dụ nếu người làm chứng đã tận mắt thấy hành vi của người phạm tội đó là dùng dao đâm chết nạn nhân khi còn ánh sáng mặt trời và họ đứng gần nơi xảy ra vụ án thì sẽ khác với sự nhận biết của nạn nhân trong vụ hiếp dâm diễn ra trong đêm tối, họ chỉ nhìn thấy dáng vóc và giọng nói của tội phạm.

Để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong việc nhận dạng, Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

Việc nhận dạng dựa trên cơ sở so sánh đặc điểm riêng biệt, ổn định, cho nên số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi. Nếu số lượng để nhận dạng ít quá thì khó so sánh đối chiếu. Số lượng đối tượng nhận dạng từ ba đến năm là phù hợp. Ngược lại, nếu đưa quá nhiều đối tượng để nhận dạng cũng sẽ không tạo sự tập trung để quan sát, so sánh. Các đối tượng đưa ra nhận dạng phải có các đặc điểm tương tự giống nhau, như nhận dạng người thì phải tìm người có khuôn mặt, tóc, vóc dáng, lứa tuổi, quần áo, ăn mặc và một số đặc điểm nhận dạng khác. Các đồ vật đưa ra nhận dạng thì cùng tên gọi, kích thước, hình dáng, màu sắc, nhãn hiệu. Riêng đối với việc nhận dạng tử thi thì sẽ không áp dụng nguyên tắc này.

Trong thực tiễn hoạt động điều tra, do nhiều động cơ khác nhau như sợ bị trả thù, vì mối quan hệ thân thiết không muốn người thân của mình vào tù, sợ phiền phức, nên nhiều người né tránh khai báo, chỉ trả lời là không biết, không nhớ.

Vì vậy, nếu người làm chứng hoặc bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, cụ thể:

“Điều 178. Biên bản điều tra

Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.

Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

Việc lập biên bản trong giai đoạn khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.”

Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư