2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Căn cứ Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về hỏi người làm chứng được quy định như sau:
“Điều 311. Hỏi người làm chứng
1. Việc hỏi phải được tiến hành riêng đối với từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó.
2. Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng.
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.
3. Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.
4. Trường hợp có căn cứ xác định người làm chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định của Bộ luật này và pháp luật khác có liên quan.
5. Trường hợp cần thiết, Tòa án quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông.”
Theo quy định của Điều luật này thì việc hỏi phải được tiến hành riêng đối với từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó. Như vậy, Hội đồng xét xử phải cách ly người làm chứng và gọi từng người làm chứng vào phòng xử án để hỏi. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy Hội đồng xét xử chỉ cách ly người làm chứng và gọi từng người vào phòng xử án để hỏi trong trường hợp sự có mặt của người làm chứng này ảnh hưởng tới việc hỏi người làm chứng khác, có mâu thuẫn với nhau hoặc lời khai của họ tại cơ quan điều tra không thống nhất. Còn trường hợp sự có mặt của người làm chứng này không ảnh hưởng tới việc hỏi người làm chứng khác, lời khai của những người làm chứng không có mâu thuẫn với nhau hoặc những lời khai của họ tại cơ quan điều tra thống nhất, thì Hội đồng xét xử không cách ly người làm chứng và gọi tất cả họ vào phòng xử án để hỏi.
Trước khi xét hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải làm rõ mối quan hệ giữa họ với bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của những người này. Việc biết rõ về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị cáo, bị hại và các đương sự trong vụ án có ý nghĩa đối với việc đánh giá tính đúng đắn, khách quan của lời khai của người làm chứng. Đồng thời áp dụng những biện pháp bảo đảm cho việc khai báo của những người làm chứng được khách quan trung thực.
- Trước khi đặt câu hỏi người làm chứng Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ đã biết. Những tình tiết vụ án mà người làm chứng có thể biết có thể là những hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, thiệt hại, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Sau khi người làm chứng trình bày về những tình tiết vụ án, Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng.
- Bị cáo có thể hỏi người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến mình, nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý. Bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ không có quyền hỏi người làm chứng nhưng có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.
Trong quá trình xét hỏi người khác, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi đương sự hoặc theo đề nghị của bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có thể hỏi thêm hoặc đối chất người làm chứng.
- Người dưới 18 tuổi biết được những tình tiết liên quan đến vụ án cũng có thể được Tòa án triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người làm chứng. Để bảo đảm cho người làm chứng là người dưới 18 tuổi được bình tĩnh khai báo, Điều 421 BLTTHS quy định việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ 18 tuổi phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.
Trường hợp có căn cứ xác định người làm chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định tại Điều 486 BLTTHS, bao gồm:
“Điều 486. Các biện pháp bảo vệ
1. Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ họ:
a) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;
b) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;
c) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
d) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;
đ) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;
e) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.”
Trường hợp cần thiết, Tòa án quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh