2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Căn cứ Điều 281 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tạm đình chỉ vụ án trước khi mở phiên tòa được quy định như sau:
“Điều 281. Tạm đình chỉ vụ án
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này;
b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;
c) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.
2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
3. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.”
Điều luật quy định về việc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trước khi mở phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Thứ nhất, có kết luận giám định tư pháp xác định bị can, bị cáo bị tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo. Trong đó, người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như bị ung thư, bại liệt, hủi, lao… và những bệnh khác theo quy định của Bộ y tế coi là bệnh hiểm nghèo.
- Thứ hai, khi trưng cầu giám định, định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mặc dù việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục tiến hành cho đến khi có kết quả.
Tương trợ tư pháp về hình sự là sự hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài trên cơ sở pháp luật nước ta và các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập trong việc giải quyết vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nhằm góp phần đấu tranh, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi ích của công dân. Về tương trợ tư pháp, theo quy định tại Điều 17 Luật tương trợ tư pháp thì phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự; Triệu tập người làm chứng, người giám định; Thu thập, cung cấp chứng cứ; Truy cứu trách nhiệm hình sự; Trao đổi thông tin; Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự. Như vậy, CQTHTT có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện năm nhóm hành vi tố tụng sau:
+ Hành vi thứ nhất, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, cho người đang cư trú ở nước được yêu cầu;
+ Hành vi thứ hai, triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;
+ Hành vi thứ ba, thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ án hình sự tại Việt Nam;
+ Hành vi thứ tư, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đang ở nước mà người đó mang quốc tịch;
+ Hành vi thứ năm, các hành vi khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tạm đình chỉ vụ án do yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả là trường hợp Tòa án Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện các hành vi tương trợ tư pháp nêu trên và thông báo kết quả cho mình những nước nhận tương trợ tư pháp chưa thông báo kết quả và đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử.
- Thứ ba, không biết bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử;
- Thứ tư, chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS cụ thể:
“Điều 132. Văn bản tố tụng
2. Văn bản tố tụng ghi rõ:
a) Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;
b) Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
c) Nội dung của văn bản tố tụng;
d) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.”
Đối với trường hợp tạm đình chỉ vụ án do không biết bị can, bị cáo đang ở đâu, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu CQĐT ra quyết định truy nã bị can,bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 BLTTHS.
Ngoài ra, Điều này được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP:
“Điều 10. Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử
1. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự mà phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ cùng với quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp tại phiên tòa, việc tạm đình chỉ vụ án do Hội đồng xét xử quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 290, khoản 4 và điểm d khoản 6 Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trước khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án xem xét quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.
3. Khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án phải xem xét quyết định việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (nếu có) và việc đôn đốc khắc phục lý do tạm đình chỉ.
4. Trước khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Tòa án phải xem xét, đánh giá toàn bộ chứng cứ để quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tòa án thực hiện như sau:
a) Ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo;
b) Lập hồ sơ vụ án tạm đình chỉ ở giai đoạn xét xử đối với từng bị can, bị cáo; hồ sơ gồm các quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bị can, bị cáo tạm đình chỉ. Quyết định tố tụng, tài liệu,chứng cứ phải là bản gốc hoặc bản sao y bản chính. Việc sao y thực hiện theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao.
5. Việc giao, gửi quyết định tạm đình chỉ vụ án thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự.
6. Việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch này và quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
7. Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, Tòa án chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ.
8. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án do bị can, bị cáo bỏ trốn thì sau khi truy nã bắt được bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra đã thụ lý vụ án kịp thời thông báo cho Tòa án để Tòa án xem xét phục hồi vụ án.”
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh