2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Căn cứ Điều 166 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự được quy định như sau:
“Điều 166. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự
1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
2. Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
3. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra.
4. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi cần thiết.
5. Khi phát hiện việc điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động:
a) Tiến hành hoạt động điều tra đúng pháp luật;
b) Kiểm tra việc điều tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát;
c) Cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc điều tra.
6. Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra.
7. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra, xử lý nghiêm minh Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng.
8. Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định: VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Việc tăng cường chức năng của cơ quan kiểm sát là nhằm mục đích đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm một cách khách quan, toàn diện, tránh oan sai cũng như không để lọt tội phạm. Việc kiểm sát khi thực hành kiểm sát điều tra có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Viện kiểm sát xem xét Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động điều tra có đúng quy định của BLTTHS, Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự hay không như về phân cấp điều tra từng loại án, biện pháp điều tra, về trình tự, thủ tục tiến hành, người ra các quyết định tố tụng; việc lập hồ sơ vụ án có gì sai sót về thủ tục tố tụng, để từ đó có cơ sở thực hiện quyền công tố .
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng: Những người tham gia tố tụng bao gồm 20 loại người sau: người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi liên quan đến vụ án; người làm chứng, người chứng kiến; người giám định; người định giá tài sản; người phiên dịch; người dịch thuật; người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của BLTTHS. Khi phát hiện người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật, thì Viện kiểm sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những người vi phạm.
BLTTHS quy định 3 hệ thống Cơ quan Điều tra theo 3 ngành: Cơ quan Điều tra trong CAND; Cơ quan Điều tra trong QĐND; Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, Bộ luật còn chia các Cơ quan Điều tra theo các cấp khác nhau: Cơ quan Điều tra cấp Bộ; Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự quân khu; Cơ quan Điều tra cấp huyện, Cơ quan Điều tra quân sự khu vực. Ngoài các Cơ quan Điều tra còn có các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thẩm quyền điều tra được quy định quy định tại Điều 163 BLTTHS 2015. Việc tranh chấp thẩm quyền điều tra do Viện kiểm sát giải quyết.
Yêu cầu Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi cần thiết, như cung cấp chứng cứ làm căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi thấy có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự hoặc để lọt tội phạm.
Khi phát hiện việc điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động: tiến hành hoạt động điều tra đúng pháp luật; kiểm tra việc điều tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc điều tra.
Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra như thẩm quyền bắt, thời gian tạm giam bị can.
Khi phát hiện Điều tra viên, Cán bộ điều tra thiếu khách quan trong hoạt động điều tra, có tiêu cực thì Viện kiểm sát yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Nếu phát hiện vi phạm như bức cung, nhục hình trong hỏi cung bị can, ghi lời khai, vi phạm chế độ quản lý vật chứng thì yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý nghiêm minh Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm. Nếu vi phạm lần đầu, tinh chất ít nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hành chính như khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì lập hồ sơ xử lý về hình sự.
Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Bởi vì mục tiêu của cuộc đấu tranh chống tội phạm là xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm, phòng ngừa để hạn chế mức thấp nhất tội phạm xảy ra. Viện kiểm sát thông qua hoạt động kiểm sát điều tra để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, những nguyên nhân của tội phạm đã kiến nghị với cơ quan, tổ chức và đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp tích cực, chủ động phòng ngừa không để xảy ra tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh