Những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:10 (GMT+7)

Bài viết trình bày về những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Do giới hạn giữ khởi tố và không khởi tố vụ án đối với nhiều hành vi trong thực tiễn khó xác định và nhiều khi dễ nhầm lẫn khi phân tích để áp dụng Luật. Do đó, bên cạnh quy định những căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì BLTTHS 2015 cũng quy định căn cứ không khởi tố vụ án hình sự nhằm phòng ngừa việc khởi tố vụ án một cách thiếu chính xác, không đúng căn cứ pháp luật, tạo thuận lợi cho công dân cũng như cơ quan tố tụng trong việc áp dụng pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) căn cứ không khởi tố vụ án hình sự được quy định như sau:

“Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.”

2. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự.

Điều luật quy định 08 căn cứ không khởi tố vụ án hình sự như sau:

- Không có sự việc phạm tội: Là trường hợp mà sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan Điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có đủ cơ sở để xác định sự việc được nêu trong các nguồn tin này không phải là sự việc phạm tội. Nghĩa là sự việc không có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Điều 8 BLHS. Điều này diễn ra do nhiều nguyên nhân như: nhầm lẫn của người tố giác, vu khống do thù ghét.

- Hành vi không cấu thành tội phạm: Điều này được hiểu là đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi này không có đủ những dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Ví dụ, một người trộm cắp tài sản với giá trị dưới 2.000.000 đồng và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS (tiền án, tiền sự) thì hành vi của người này chỉ bị xử lý hành chính mà không cấu thành tội phạm quy định tại Điều 173 BLHS.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự của một người là căn cứ quan trọng để khởi tố về hình sự đối với hành vi của họ và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 BLHS và được quy định cụ thể trong một số điều luật, tuổi của người chịu trách nhiệm hình sự được khẳng định trên cơ sở giấy khai sinh (bản gốc), sổ đăng ký khai sinh hoặc các bằng chứng xác thực khác. Các giấy tờ này phải bảo đảm độ tin cậy; nếu có nghi ngờ thì phải trưng cầu giám định về tuổi.

Ví dụ: Nếu một người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi thì hành vi của người này không cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS 2015) do không đáp ứng điều kiện về chủ thể. Điều 146 BLHS quy định chủ thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải là người “đủ 18 tuổi trở lên”

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật: Tòa án là cơ quan xét xử, nhân danh Nhà nước để quyết định bị cáo có phạm tội hay không, nếu có tội thì có bị áp dụng hình phạt hay không và hình phạt gì, biện pháp tư pháp thế nào? Do đó, nếu Tòa án đã có bản án hiệu lực pháp luật kết án một người về một tội phạm mà họ đã thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án không được khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi phạm tội đó nữa.

Quyết định đình chỉ vụ án có thể là văn bản của Viện kiểm sát hoặc Tòa án nhằm chấm dứt việc tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự qua một quá trình điều tra và xem xét. Trong trường hợp đã có quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật đối với một người về một tội phạm mà họ đã thực hiện thì các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án cũng không được khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi phạm tội đó nữa.

Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 BLTTHS 2015. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là việc một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành một tội phạm được quy định trong BLHS, lẽ ra người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến khi sự việc phạm tội mà người này thực hiện được phát hiện, điều tra làm rõ thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội đó theo quy định của pháp luật đã hết, họ đương nhiên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự và vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự không đặt ra.

Tuy nhiên nếu trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

- Tội phạm đã được đại xá: Đại xá được hiểu là việc Quốc hội quyết định tha tội cho một nhóm người phạm phải một loại tội nào đó mà đã bị pháp hiện, điều tra, truy tố, xét xử hoặc chưa bị phát hiện.

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác: Mục đích của việc khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự là nhằm trừng phạt và giáo dục người phạm tội. Tuy nhiên, nếu người phạm tội đã chết thì các mục đích này không đạt được. Do đó, việc khởi tố vụ án hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là không cần thiết, trừ trường hợp cần tái thẩm (ví dụ để minh oan) đối với người khác.

- Bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố: Đó là những vụ án về các tội phạm được quy định tại các khoản 1 các Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái bị kích động mạnh), 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), 141 (Tội hiếp dâm), 143 (Tội cưỡng dâm), 155 (Tội làm nhục người khác), 156 (Tội vu khống), và 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) BLHS 2015 mà bị hại hoặc người đại diện  của bị hại không yêu cầu khởi tố thì không được khởi tố thì không, Đây là các trường hợp khởi tố  vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại quy định tại Điều 155 BLTTHS 2015. Do đó, nếu bị hại hoặc người đại diện bị hại không yêu cầu khởi tố thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền không có quyền để khởi tố vụ án.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư