Những cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:39 (GMT+7)

Bài viết trình bày về quy trình, thủ tục đặc biệt để xét lại quyết định của HĐTPTANDTC theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định như sau:

“Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về quy trình, thủ tục đặc biệt để xét lại quyết định của HĐTPTANDTC.

Theo nguyên tắc hai cấp xét xử, một vụ án hình sự thông thường được xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Trong trường hợp “phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hoặc có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó” thì vụ án sẽ được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm ở TANDCC hoặc HĐTPTANDTC. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra trường hợp quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của HĐTPTAND vẫn mắc phải những sai sót. Vì HĐTPTANDTC là cơ quan xét xử cao nhất nên việc xét xử sai có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng trong khi đó quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị được quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật tổ chức TAND 2014. Thực trạng đó đòi hỏi phải có cơ chế đặc biệt để xem xét lại những quyết định của HĐTPTANDTC. Điều 404 BLTTHS 2015 quy định về cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu hoặc kiến nghị đề nghị HĐTPTANDTC xem xét lại các quyết định của mình khi có căn cứ xác định quyết định đó có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTPTANDTC không biết được khi ra quyết định đó.

Theo quy định của điều luật, những cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC gồm có:

+ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu:  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là cơ quan thường trực của Quốc Hội. Quyền yêu cầu đối với các quyết định của Hội đồng Thẩm phán thể hiện chức năng giám sát hoạt động của TANDTC theo quy định tại Điều 74 Hiến pháp 2013. Trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TANDTC có trách nhiệm báo cáo HĐTPTANDTC để xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC.

+ Uỷ ban Tư pháp Quốc hội có quyền kiến nghị: Uỷ ban Tư pháp Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, có thẩm quyền “giám sát hoạt động của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, cán bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, giám sát vào việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Trong khi thực hiện chức năng giám sát, nếu phát hiện căn cứ xác định quyết định của HĐTPTANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTPTANDTC không biết được khi ra quyết định đó, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội có quyền kiến nghị; HĐTPTANDTC phải mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

+ Viện trưởng VKSNDTC có quyền kiến nghị: Trong trường hợp phát hiện căn cứ xác định quyết định của HĐTPTANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTPTANDTC không biết được khi ra quyết định đó, Viện trưởng VKSNDTC có quyền kiến nghị; HĐTPTANDTC phải mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Đây là một hoạt động thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND (theo quy định tại Điều 4 Luật tổ chức VKSND 2014).

+ Chánh án TANDTC có quyền đề nghị. Trong trường hợp Chánh án TANDTC phát hiện đề nghị thì HĐTPTANDTC phải mở phiên họp xem xét đề nghị đó.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư