Quy trình, thủ tục thực hiện khám nghiệm tử thi?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:13 (GMT+7)

Bài viết trình bày về quy định khám nghiệm tử thi theo quy định của BLTTHS 2015.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về khám nghiệm tử thi được quy định như sau:

“Điều 202. Khám nghiệm tử thi

1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.

Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

2. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.

3. Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

4. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.”

2. Quy định của pháp luật về khám nghiệm tử thi.

Khám nghiệm tử thi được tiến hành khi phát hiện có người chết khi chưa rõ nguyên nhân. Người chết có thể do bị giết, tai nạn, tự sát hay bệnh lý. Tuy nhiên, để có cơ sở xác định nguyên nhân chết, cần phải khám nghiệm tử thi.

Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến. Việc khám nghiệm tử thi bao gồm khám ngoài và khám trong (giải phẫu tử thi) để phát hiện những dấu vết nhằm xác định nguyên nhân chết cũng như diễn biến của vụ việc xảy ra.

Khám nghiệm tử thi giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều tra các vụ án có người chết. Để đảm bảo tính khách quan và không để lọt tội phạm, Viện kiểm sát cần giám sát điều tra ngay từ đầu. Vì vậy, trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

- Điều tra viên giữ vai trò chủ trì cuộc khám nghiệm, cho nên Giám định viên Kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện thu thập dấu vết phục vụ việc giám định. Ví dụ: Vụ người chết liên quan đến súng đạn thì mời giám định viên súng đạn; vụ chết người liên quan đến cháy, nổ thì mời giám định viên cháy nổ.

Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, cụ thể:

“Điều 178. Biên bản điều tra

Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.

Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

Việc lập biên bản trong giai đoạn khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.”

Trong một số vụ án phức tạp tiến hành ghi hình quá trình khám nghiệm phục vụ nghiên cứu, giải quyết vụ án sau này. Khám nghiệm tử thi có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết. Những trường hợp cần khai quật tử thi là: những trường hợp chết người mà chưa xác định được nguyên nhân chết nhưng tử thi đã được chôn cất; những trường hợp đã khám nghiệm tử thi nhưng do trình độ chuyên môn hạn chế hoặc có những sai sót chưa thu mẫu để giám định, chưa đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân gây chết người. Việc khai quật tử thi là hoạt động có ảnh hưởng đến phong tục tập quán, đến tình cảm của những người thân và gia đình nạn nhân, cho nên cần làm tốt công tác tư tưởng trước khi tiến hành khai quật tử thi. Nếu gia đình không nhất trí cho khai quật tử thi, nhưng thấy cần thì CQĐT vẫn tiến hành.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư