Thành phần Hội đồng xét xử bao gồm những ai?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:16 (GMT+7)

Bài viết trình bày về thành phần Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật.

Hoạt động xét xử của Tòa án là hoạt động nhân danh quyền lực của Nhà nước để tuyên một bản án kết tội hay không kết tội bị cáo. Phán quyết của Tòa án ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, yêu cầu tối cao và cũng là cái mốc để đánh giá hiệu quả của công tác xét xử là phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không xử oan người vô tội.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) thành phần Hội đồng xét xử được quy định như sau:

Điều 254. Thành phần Hội đồng xét xử

1. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.

Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.

2. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về thành phần Hội đồng xét xử.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của tổ tụng hình sự là việc xét xử của Tòa án phải có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân, Tòa án phải xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Đây là sự kết hợp giữa tính chuyên nghiệp của Thẩm phán và tính đại diện cho quần chúng của Hội thẩm; đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án đúng pháp luật và thể hiện được lợi ích chung của xã hội. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Hội đồng xét xử vụ án hình sự do Chánh án hoặc Phó Chánh án thành lập bằng cách ra quyết định phân công Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm.

Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng phức tạp thì Hội đồng xét xử có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm. Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội; vụ án có liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.

Đối với vụ án được xét xử theo hình thức rút gọn thì không thành lập Hội đồng xét xử. Phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.

Về nguyên tắc chung Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá tính chất đúng đắn của bản án sơ thẩm và trong phạm vi quyền hạn của mình, khắc phục những thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải gồm ba thẩm phán và Tòa án cấp phúc thẩm không được thay thế thẩm phán bằng hội thẩm nhân dân.

Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì Hội đồng xét xử gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm. Đó là những vụ án về tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại các điều khoản sau đây của BLHS: Khoản 1 của các Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc), 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), 110 (Tội gián điệp), 112 (Tội bạo loạn), 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân), 114 (Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 123 (Tội giết người), 299 (Tội khủng bố), 421 (Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược), 422 (Tội chống loài người), 423 (Tội phạm chiến tranh) BLHS; Khoản 3 của Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Khoản 4 các Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), 353 (Tội tham ô tài sản), 354 (Tội nhận hối lộ) BLHS.

Nếu vụ án mà bị cáo, người bị hại hoặc người làm chứng là người dưới 18 tuổi thì thành phần của Hội đồng xét xử phải có Hội thẩm là Giáo viên hoặc Cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trường hợp khi tội phạm được thực hiện, người bị buộc tội, người bị hại hoặc người làm chứng là người dưới 18 tuổi nhưng khi mở phiên tòa, những người này đã đủ 18 tuổi trở lên thì không bắt buộc Hội thẩm là Giáo viên hoặc Cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ của từng thành viên Hội đồng xét xử tại phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phân công. Nhưng dù phân công thế nào thì Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa vẫn thực hiện việc điều khiển và giữ kỷ luật phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa điều khiển phiên tòa bằng cách trực tiếp thực hiện việc khai mạc phiên tòa, điều khiển việc xét hỏi, tranh tụng và chủ trì việc nghị án và tuyên án hoặc phân công thành viên khác của Hội đồng xét xử tuyên án. Để giữ kỷ luật phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa có quyền cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người vi phạm nội quy phiên tòa.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư