2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Căn cứ Điều 379 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau:
“Điều 379. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
4. Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị.”
Đối với những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà khi phát hiện thấy có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc kết án người phạm tội nhẹ hơn mức hình phạt mà lẽ ra họ phải chịu theo quy định của pháp luật; người phạm tội phải bồi thường không tương xứng với hậu quả tội phạm do họ gây ra. Điều luật này quy định việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật. Quá thời hạn này, không được kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án. Kháng nghị theo hướng “không có lợi” cho người bị kết án là những trường hợp kháng nghị theo một trong các hướng sau:
- Kết tội người được tuyên bố phạm tội; áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn (áp dụng Điều 123 BLHS 2015 về tội giết người đối với người đã bị kết án về tội Cố ý gây thương tích Điều 135 BLHS);
- Không miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho người đã được Tòa án miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt;
- Không cho hưởng thời hiệu miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; áp dụng thêm hình phạt bổ sung đối với người bị kết án.
Quy định việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật không chỉ nhằm nâng cao trách nhiệm của người có quyền kháng nghị mà còn đảm bảo cho sự ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự.
Ngoài ra, Điều luật quy định việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Đây cũng là quy định thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự.
Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Tại Điều 30 BLTTHS 2015 về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.” Và dân sự trong vụ án hình sự được hiểu là những quan hệ về đòi tài sản; đòi bồi thường giá trị tài sản di bị chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị hủy hoại; yêu cầu sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần do tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.
Theo quy định tại Điều 334 BLTTDS thì thời hạn kháng nghị được quy định như sau:
“Điều 334. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:
a) Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;
b) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà
nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.”
Như vậy, thời hạn của việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện trong thời hạn tối đa là 05 năm.
Ngoài ra, xuất phát từ việc người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị, Điều luật còn quy định trong trường hợp không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị. Nội dung này nhằm quy định cụ thể trách nhiệm của người có quyền kháng nghị trong việc trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị, tránh việc kiến nghị của cơ quan, tổ chức cá nhân không được giải quyết nhưng cũng không trả lời cho bên kiến nghị được biết, làm giảm lòng tin vào hoạt động tố tụng.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh