Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:39 (GMT+7)

Bài viết trình bày về thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 401 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định như sau:

“Điều 401. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Khi phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó, người có thẩm quyền tiến hành kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Hậu quả pháp lý của việc kháng nghị này có thể có lợi cho người bị kết án hoặc bất lợi cho người bị kết án hoặc người thứ ba. Vì vậy, pháp luật tố tụng đã phân chia ra làm hai trường hợp là tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án và tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án.

Theo điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “ Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Xuất phát từ nguyên tắc trên, để bảo đảm tính nhân đạo của pháp luật, Điều luật quy định: Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau đây:

- Thứ nhất: trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của BLHS:

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn quy định tại Điều 27 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Việc kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện khi còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm do người đó thực hiện. 

- Thứ hai, thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện. Đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, đồng thời thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, Điều luật này quy định: Việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm chỉ được tiến hành trong vòng 01 năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện. Thời hạn này bao gồm cả ngày nghỉ theo lễ, ngày lễ, Tết và không được gia hạn. Trường hợp vì một lý do nào đó mà quá 01 năm, kể từ ngày nhận được tin báo về tình tiết mới được  phát hiện thì Viện kiểm sát cũng không được đưa vụ án ra kháng nghị tái thẩm nữa.

Cũng trong xu hướng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật nước ta, Điều luật quy định: Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Cụ thể Điều 355 BLTTDS 2015 quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 1 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật này. Như vậy, thời hạn kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự- không phân biệt là tái thẩm theo hướng không có lợi, hay có lợi cho người bị kết án cũng chỉ có 01 năm. Dù với bất cứ lý do gì thì quá thời hạn này, việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự không được tiến hành nữa.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư