Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:13 (GMT+7)

Bài viết trình bày về quy định thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử thư tín, có liên quan đến vụ án, có thể là chứng cứ của vụ án đều được các cơ quan có thẩm quyền thu giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để phục vụ cho công tác điều tra, giải quyết vụ án hình sự một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định như sau:

“Điều 196. Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử

1. Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng.

2. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử.

Đây là Điều luật mới được quy định trong BLTTHS 2015. Khoa học – công nghệ càng phát triển thì việc lợi dụng các thành tựu này trong hoạt động phạm tội cũng gia tăng, đặc biệt là công nghệ thông tin. Mục đích của khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử là để tìm kiếm, phát hiện nhằm thu giữ dấu vết, tài liệu, đồ vật phản ảnh hành vi phạm tội và vụ án, trong đó có phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử. Vậy thế nào là phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử? Theo quy định tại Điều 99 BLTTHS 2015 quy định về dữ liệu điện tử, cụ thể:

“Điều 99. Dữ liệu điện tử

1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Và việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định cụ thể tại Điều 107 BLTTHS 2015 cụ thể:

“Điều 107. Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử

1. Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

3. Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử.

4. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.

5. Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.”

Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn như kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư vô tuyến điện, điện tử, lập trình viên liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được như phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử gắn liền với các máy móc, thiết bị quá lớn khó tháo rời thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng. Phương tiện lưu giữ như USB, ổ cứng, thẻ nhớ, đĩa quang. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan. Thiết bị ngoại vi như các phương tiện kết nối máy tính, thiết bị để điều khiển chúng như máy in, máy fax. Thu các tài liệu có liên quan như các bản in, photocopy; bản fax; sổ sách ghi chép; phim chụp; ảnh, băng từ để thuận lợi cho việc thu giữ những thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư