Tội buôn lậu là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:12 (GMT+7)

Tội buôn lậu quy định tại Điều 188 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

1. Căn cứ pháp lý

Điều 188 Chương XVIII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tội buôn lậu như sau:

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội buôn lậu

2.1. Khách thể của tội phạm

Buôn lậu là buôn bán hàng hoá qua biên giới một cách trái phép.

Chính sách xuất, nhập khẩu của Nhà nước ta luôn thay đổi theo chính sách kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường, vì vậy việc xác định khách thể trực tiếp của tội buôn lậu có thể thay đổi tuỳ thuộc vào chính sách xuất nhập khẩu của Nhà nước.

Đối tượng tác động của tội buôn lậu là hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm. Khi xác định đối tượng tác động, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định.

Hàng hoá là vật phẩm được làm ra trong qua trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường.

Tiền Việt Nam là tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

Kim khí quý là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các chế phẩm làm từ kim khi quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Vàng, bạc, bạch kim...

Đá quý là các loại đá tự nhiên và các thành phẩm từ đá quí theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Kim cương, Rubi, Saphia, Emôrot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.

Như vậy, khách thể của tội phạm là chính sách xuất, nhập khẩu của Nhà nước đối với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc di vật, cổ vật.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.

Buôn bán trái phép... là hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại để trao đổi trái với các quy định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá: vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu mà không khai báo hoặc khai báo hàng hoá một cách gian dối hoặc giấu giếm hàng hoá, tiền tệ... hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả mạo của các cơ quan có thẩm quyền; vận chuyển hàng hoá bí mật, lén lút không qua cửa khẩu để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Hải quan, Bộ đội biên phòng, các lực lượng tuần tra kiểm soát khác),... Hành vi này có thể được thực hiện bằng đường bộ, đường thuỷ, đường không hoặc bằng đường bưu điện.

Hành vi buôn lậu chỉ cấu thành tội phạm khi giá trị hàng buôn lậu từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

Trường hợp giá trị hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng nhưng vẫn bị coi là phạm tội khi thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Trường hợp lần đầu buôn lậu với giá trị hàng hóa dưới 100.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 như sau:

“Điều 15. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:

a) Hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;

b) Hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu;

c) Hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”

Sau khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu theo quy định của pháp luật mà nười phạm tội vẫn thực hiện hành vi buôn lậu hoặc đã bị kết án về tội tại một trong các điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả), 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm), 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi), 196 (Tội đầu cơ) và 200 (Tội trốn thuế) của Bộ luật Hình sự mà chưa hết thời hạn xóa án tích theo quy đinh tại Chương X – Xóa án tích, lại tiếp tục thực hiện hành vi buôn lậu với giá trị hàng hóa dưới 100.000.000 đồng thì vẫn cấu thành tội phạm.

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/06/2010 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009:

“Điều 4

...

5. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

6. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.”

Di vật, cổ vật là đồ vật có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước, là tài sản cần được bảo tồn. Hành vi buôn lậu để mua, bán cổ vật, di vật làm của riêng thể hiện sự thiếu ý thức trong công cuộc gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc, đánh mất bản sắc văn hóa quốc gia. Do đó, dù giá trị di vật, cổ vật dưới 100.000.000 đồng thì hành vi buôn lậu vẫn đủ điều kiện cấu thành tội phạm.

Hậu quả của hành vi buôn lậu là những thiệt hại đến tính mạng, tài sản và những thiệt hại khác do hành vi buôn lậu gây ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi buôn lậu gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức cao hơn. Thiệt hại trực tiếp do hành vi buôn lậu gây ra là Nhà nước không kiểm soát được hàng hoá xuất nhập khẩu, gây thất thoát thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu hàng hoá.

Tội phạm được hoàn thành kể từ khi thực hiện hành vi vận chuyển các loại hàng hoá qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại nêu trên. Trường hợp khi hàng hoá đã vào nội địa mà bị phát hiện vẫn cấu thành tội buôn lậu.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng cũng có thể là pháp nhân thương mại.

Trường hợp chủ thể là cá nhân:

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội xâm phạm trật tự quản lý kinh kế phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2013:

“Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại là một quy định hoàn toàn mới, lần đầu được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, điều kiện chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự như sau:

“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hành vi buôn bán được thực hiện nhằm mục đích kiếm lời vì động cơ vụ lợi. Mục đích buôn bán kiếm lời là dấu hiệu đặc trưng cho tội buôn lậu và là căn cứ để phân biệt tội buôn lậu với tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.

3. Hình phạt đối với cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu

Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội và 06 Khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu như sau:

3.1. Đối với cá nhân:

- Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, buôn lậu có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án buôn lậu có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Điển hình của trường hợp phạm tội buôn lậu có tổ chức là vụ án Tân Trường Sanh. Trong vụ án này, Trần Đàm cùng với vợ và các con đã tổ chức một mạng lưới để thực hiện hành vi buôn lậu, từ việc xin, mua các giấy phép nhập khẩu, đến việc tổ chức cho người ra nước ngoài mua hàng hoá để chuyển về Việt Nam, đồng thời Trần Đàm tổ chức cho người mua chuộc cán bộ Hải quan một số tỉnh, thành phố mà Trần Đàm nhập hàng lậu, đặc biệt là Phòng chống buôn lậu Hải quan thành phố Hồ Chí Minh do Phùng Long Thất làm trưởng phòng. Do có sợ tổ chức chặt chẽ, nên hành vi buôn lậu của Trần Đàm và đồng bọn kéo dài từ năm 1991 đến năm 1997 mới bị phát hiện.

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

Buôn lậu có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội chủ yếu lấy việc buôn lậu là nguồn sống chính của bản thân và gia đình mình, nếu người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính, nhưng mới phạm tội buôn lậu một lần dù với quy mô như thế nào thì cũng không thuộc trường hợp buôn lậu có tính chất chuyên nghiệp. Ngoài đặc điểm lấy việc buôn lậu là nguồn sống chính, thì buôn lậu có tổ chức còn có đặc điểm người phạm tội thực hiện hành vi buôn lậu nhiều lần, hành vi được lặp đi lặp lại. 

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định, Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để buôn lậu được coi là nguy hiểm hơn vì khó bị phát hiện và làm giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị tha hoá.

Nói chung, người có chức vụ thì đi liền với chức vụ đó là quyền hạn nhất định, nên nếu lợi dụng chức vụ thì đồng thời họ cũng lợi quyền hạn. Tuy nhiên, có trường hợp người phạm tội chỉ lợi dụng chức vụ mà không lợi dụng quyền hạn hoặc người không có chức vụ chỉ có quyền hạn, nhưng họ đã lợi dụng quyền hạn được giao đẻ thực hiện hành vi buôn lậu.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng chức vụ để buôn lậu thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ để phạm tội. Nếu có chức vụ, nhưng lại không lợi dụng chức vụ để buôn lậu thì không gọi là lợi dụng chức vụ.

Người có quyền hạn là người được giao thực hiện một công vụ và do thực hiện công vụ đó nên họ có một quyền hạn nhất định. Người có quyền hạn thông thường là người có chức vụ, nhưng cũng có thể là người không có chức vụ nhưng được giao hoặc được thạm gia thực hiện một công vụ.

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để buôn lậu. Thông thường, người phạm tội trường hợp này là thông qua các hợp đồng kinh tế để buôn lậu.

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi buôn lậu từ 02 lần trở lên và tất cả các lần đều đủ điều kiện cấu thành tội buôn lâu nhưng chưa bị xử lý (xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự).

i) Tái phạm nguy hiểm.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

- Khung hình phạt bổ sung. người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3.2. Đối với pháp nhân thương mại

- Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

- Khung hình phạt bổ sung, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Vụ án thực tế xét xử về tội buôn lậu

Bản án số 15/2021/HSST ngày 01/06/2021 “V/v xét xử Bị cáo Vi Hoàng M và đồng phạm về tội buôn lậu” của Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang.[1]

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 21/11/2019, tại bãi tập kết hàng giáp kênh Vĩnh Tế, đoạn Cống Đồn gần tỉnh lộ 995A thuộc ấp B, xã V, thành phố C, tỉnh  An  Giang;  Tổ công tác  của  Cục  Cảnh  sát  điều  tra tội phạm  về  tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra việc bốc xếp đường cát trái phép từ Campuchia vào Việt Nam từ các ghe lên xe tải để vận chuyển đi tiêu thụ. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng điều khiển ghe bỏ chạy qua Campuchia. Tại hiện trường Tổ công tác đã làm việc với những người liên quan: Lê Chung T (L), Nguyễn Văn K, Đặng Bảo H, Lê Vũ P đã khai nhận:

Ngày 16/11/2019, Vi Hoàng M đến gặp Lê  Chung  T trao đổi về việc vận chuyển đường cát nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, M là người trực tiếp mua đường cát trắng có xuất xứ Thái Lan tại Campuchia rồi thuê T vận chuyển về Việt Nam tập kết tại bến Cống Đồn, ấp B, xã V, thành phố C, tỉnh An Giang để M vận chuyển về kho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dịch vụ Di Th (gọi tắt là Công ty Di Th, địa chỉ: Tổ 20, khóm M, phường V, thành phố C) M trả tiền công cho T là  20.000 đồng/bao.

Để vận chuyển đường cát từ Campuchia về Việt Nam trót lọt, T thuê Nguyễn Văn K mang vỏ bao có in nhãn mác Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên KHL (gọi tắt là Công ty KHL, địa chỉ: Số 261/8, khu vực L, phường T, quận N, thành phố Cần Thơ) sang Campuchia để thực hiện việc thay các vỏ bao đường cát có nguồn gốc Thái Lan thành các vỏ bao có in nhãn mác Công ty KHL, với tiền công là 2.000 đồng/bao; thuê Đặng Bảo H (anh rể T) cùng nhóm công đoàn bốc vác đường cát nhập lậu từ ghe (vỏ lãi) lên xe ô tô tải tại bến Cống Đồn thuộc ấp B, xã V, thành phố C do các đối tượng  vận  chuyển bằng  ghe từ Campuchia  đến, với tiền công là 2.000 đồng/bao; thuê Lê Vũ P (Trọng, em ruột T) canh gác, cảnh giới lực lượng chức năng tại khu vực bến Cống Đồn nếu phát hiện có lực lượng chức năng thì điện thoại báo cho T biết để dừng việc vận chuyển đường cát nhập lậu, với tiền công là 500.000 đồng/ngày.  Ngoài  ra, T còn thuê nhiều người tên Đạo Nh, Tuấn Nh, S, Ng, D, Tr(không biết họ, địa chỉ) canh gác, cảnh giới lực lượng chức năng trong quá trình vận chuyển đường cát nhập lậu, tiền công là 300.000 đồng/người/ngày; thuê ghe của những người Campuchia khoảng 24 chiếc để vận chuyển đường cát từ Campuchia về Việt Nam tập kết tại bến Cống Đồn, với tiền công 3.000 đồng/bao.

Ngày  21/11/2019, T, K, H, P đã  vận  chuyển  đường  cát  trót  lọt  từ Campuchia về Việt Nam vào kho Công ty Di  Th giao  cho Vi  Hoàng  M 400 bao, loại 50 kg/bao.

Ngày 24, 25, 26/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc, kho chứa hàng đối với Vi Hoàng M tại Công ty Di Th và Công ty KHL thu giữ đồ vật, tài liệu, gồm: Đường cát số lượng tổng cộng 967.312 kg đựng trong 19.142 bao (loại 50 kg/bao) và 851 bao (loại 12 kg/bao). Trong đó, tại kho Công ty Di  Th là 517.450 kg đựng trong 10.349 bao (loại 50 kg/bao); tại kho Công ty KHL là 449.862 kg đựng trong 8.793 bao (loại 50 kg/bao) và 851 bao (loại 12kg/bao); 12 phương tiện xe ô tô tải; 02 máy tính; 05 ổ cứng máy tính; 20 điện thoại di động; 100 vỏ bao đường cát in nhãn mác Công ty KHL; 600 hoá đơn GTGT gốc của Công ty KHL; 28 hoá đơn GTGT gốc của Công ty Di  Th; 07 quyển sổ tay và kê biên 01 thửa đất do Vi Hoàng M đứng tên tại huyện A, tỉnh An Giang.

Ngày  03/12/2019  và  ngày  14/01/2020, Vi  Hoàng  M, Lê  Chung  T  (L), Lê Vũ P (Tr), Đặng Bảo H, Nguyễn Văn K bị khởi tố, tạm giam để điều tra xử lý.

* Kết luận định giá tài sản số15/KL-TTHS ngày 12/5/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh An Giang, xác định:

- Thời điểm định giá trị tài sản: ngày 21/11/2019.

- Đơn giá bán buôn mặt hàng đường  cát  trắng  (loại đường  nhuyễn), được đóng trong bao PP, khối lượng 50kg/bao là: 8.500đồng/kg

- Giá trị tài sản cần định giá:

+ Đối với 20.000 kg đường đựng trong 400 bao (mỗi bao 50 kg):

620.000 kg x 8.500đồng/kg = 170.000.000 đồng  (Một trăm bảy mươi triệu đống).

* Kết  luận giám định  số 121/KLGĐ-PC09(KTSĐT) ngày 03/9/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh An Giang, xác định:

Tìm  thấy  dữ liệu có liên quan lưu trữ trong 01 ổ đĩa cứng  nhãn  hiệu Westem  Digital   (WD), có số sêri (S/N): WXC1AB97RF32, số P/N: WDBUZG0010BBK-EA, do Cơ  quan  Cảnh  sát  điều  tra  Công  an  tỉnh  An Giang trưng cầu giám định, xác định:

Nội dung thể hiện thư mục danh bạ, tin nhắn,  nhật  ký  cuộc  gọi trong điện  thoại di động  số thuê  bao  0919888698, 0789080945, 0843569643, 0378953969, 0923869931, 0918235894, 0859549346  của Vi  Hoàng  M;  số thuê  bao  0822161767,  0915876526, 0855588748, 088611865 của Lê Chung T; số thuê bao 0945939122, 0943834452,   0399727189, 0844565652 của Lê Vũ P; số thuê bao 0944888150 do Đặng Bảo H; số thuê bao 0967611504 do Nguyễn Quốc Dũng có sử dụng cuộc gọi đi, cuộc gọi đến và tin nhắn với nội dung mua bán, vận chuyển đường cát nhập lậu, chuyển tiền, rút tiền liên quan đến vụ án.

Tại  bản  Cáo  trạng  số16/CT-VKSAG-P1ngày17/01/2021 của  Viện kiểm  sát  nhân  dân  tỉnh An Giang đã truy tố:Vi  Hoàng  M, Lê Chung T (L), Nguyễn Văn K, Đặng Bảo H, Lê Vũ Pvềtội “Buôn lậu” theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Các  bị  cáo là những người  trưởng thành, có đầy đủ sức khỏe, có năng lực trách nhiệm hình sự. Các bị cáo đủ khả năng nhận thức được hành vi buôn lậu là vi phạm pháp luật nhưng chỉ vì tham lam, hám lợi các bị cáo cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi buôn lậu không chỉ làm thiệt hại đến nền kinh tế đất nước, gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn xâm hại đến trật tự xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người tiêu dùng. Đây là vụ án hình sự mang tính chất đồng phạm do nhiều người cùng thực hiện tội phạm nên các bị cáo phải cùng chịu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này, phần lớn các bị cáo có mối quan hệ thân thích trong gia đình,có sự cấu kết và phân công vai trò chặt chẽ với nhau khi thực hiện tội phạm. Do vậy cần phải xem xét đến vai trò, trách nhiệm và nhân thân của từng bị cáo như sau:

Vai trò đầu tiên trong vụ án phải xác địnhlà bị cáo Vi Hoàng M. Để thực hiện tội phạm, bị cáo đã bàn bạc, cấu kết với Lê Chung T (là con nuôi của cha bị cáo M) trực tiếp tổ chức đường dây vận chuyển đường cát Thái Lan từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.

Đối với Lê Chung T (L)được xác định là người thứ 2 đứng sau bị cáo M có vai trò tích cực hơn so với các đồng phạm còn lại. Hành vi của bị cáo Lê Chung T (L) đã tiếp tay cho bị cáo M gây mất an ninhtrật tự tại địa phương, xem thường pháp luật, xâm phạm trật tự việc xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới gây thất thoát thuế của Nhà nước.

Với Nguyễn Văn K, Lê Vũ P (em ruột T), Đặng Bảo H (anh rễ T) là những người chưa có tiền án, tiền sự. Biết rõ Lê  Chung  T  (L), Vi  Hoàng M thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng do tham lam tư lợi các bị cáo cố ý giúp sức cho Vi  Hoàng  M, Lê  Chung  T  (L) để thu lợi bất chính.Với K giúp sức trong việc sang chiết bao từ đường cát Thái Lan sang bao đường có in nhãn “KHL”, với P giúp sức canh đường để đối phó cơ quan chức năng, với H giúp sức trong điều động công đoàn bốc vác.Lẽ ra cũng phải xét xử các bị cáo một mức án nghiêm khắc nhưng xét thấy vai trò của các bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức, làm thuê nhận tiền công,thu lợi bất chính không lớn. Do vậy, cũng có cân nhắc xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt cũng đủ tác dụng giáo dục cải tạo và răn đe phòng ngừa chung.

Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Vi  Hoàng  M, Lê  Chung  T  (L), Nguyễn Văn K, Đặng Bảo H, Lê Vũ P phạm tội “Buôn lậu”.

 Xử phạt:

1. Bị cáo Vi Hoàng M 01 (một) năm 02 (hai) tháng 13 (mười ba) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày 24/11/2019 đến ngày 06/02/2021 (Bằng thời gian tạm giam, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt).

2. Lê Chung T (L) 01 (một) năm 02 (hai) tháng 13 (mười ba) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày 24/11/2019 đến ngày 06/02/2021 (Bằng thời gian tạm giam, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt).

3. Lê Vũ P (Tr) 01 (một) năm 02 (hai) tháng 13 (mười ba) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày 24/11/2019 đến ngày 06/02/2021 (Bằng thời gian tạm giam, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt).

4. Đặng Bảo H 01 (một) năm 02 (hai) tháng 09 (chín) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày 28/11/2019 đến ngày 06/02/2021 (Bằng thời gian tạm giam, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt).

5. Nguyễn Văn K 01 (một) năm 09 (chín) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày  18/01/2020 đến ngày 06/02/2021 (Bằng thời gian tạm giam, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt).

Áp dụng khoản 5 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, phạt bổ sung hình phạt tiền đối với bị cáo Vi  Hoàng  M 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng).

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh


[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta722371t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 03/08/2021.

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư