Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:51 (GMT+7)

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 BLHS năm 2015

Căn cứ pháp lý

Điều 305 Chương XXI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ như sau:

Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 02 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 03 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Dấu hiệu pháp lý của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý vật liệu nổ của Nhà nước và trật tự, an toàn công cộng.

Đối tượng tác động của tội phạm là vật liệu nổ.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đưa ra khái niệm chung về những đối tượng tác động trên như sau:

Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:

a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;

b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.

Tiền chất thuốc nổ là hóa chất nguy hiểm, trực tiếp dùng để sản xuất thuốc nổ.

Cần lưu ý rằng nếu vật liệu nổ là vật liệu nổ quân sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm về tội phạm tại Điều 305 mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định tại Điều 304 - Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm gồm 06 hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt.

Chế tạo trái phép vật liệu nổ là làm ra các loại vật liệu nổ dưới bất kỳ hình thức nào mà không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Hành vi chế tạo vật liệu nổ bao gồm làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của loại vật liệu nổ này thành vật liệu nổ khác cũng có tính năng tác dụng như vật liệu nổ.

Tàng trữ trái phép vật liệu nổ là cất giữ bất hợp pháp vật liệu nổ ở bất cứ nơi nào như: Trong nhà ở; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách... mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vật liệu nổ khác hoặc vận chuyển từ này đến nơi khác.

Nguồn gốc vật liệu nổ mà người phạm tội tàng trữ không kể do nguồn gốc nào mà có như: được tặng, cho, đào được, nhặt được... Tuy nhiên, nếu người phạm tội cất giấu vật liệu nổ là vật chứng của vụ án nhằm che giấu tội phạm thì tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ vật liệu nổ và tội che giấu tội phạm.

Vận chuyển trái phép vật liệu nổ là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp vật liệu nổ từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác... bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

Sử dụng trái phép vật liệu nổ là dùng vật liệu nổ vào mục đích mà người sử dụng quan tâm như: dùng lựu đạn để đánh cá dưới sông,.v.v...

Mua bán trái phép vật liệu nổ là bán hay mua để bán lại; vận chuyển vật liệu nổ để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại hoặc để chế tạo ra vật liệu nổ để bán lại trái phép; hoặc dùng vật liệu nổ để đổi lấy hàng hoá hay dùng hàng hoá để đổi lấy vật liệu nổ khác.

Vật liệu nổ mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào vật liệu nổ đó là thật hay giả, còn tác dụng hay đã mất tác dụng.

Chiếm đoạt vật liệu nổ là hành vi cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tham ô vật liệu nổ.

Hành vi chiếm đoạt vật liệu nổ cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản, tức là người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt vật liệu nổ ngay trước, trong khi thực hiện thủ đoạn phạm tội.

Cũng coi là chiếm đoạt vật liệu nổ nếu người được trang bị vật liệu nổ để huấn luyện, chiến đấu, để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác, khi xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ việc mà không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.

Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có một trong 6 hành vi khách quan xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy, chủ thể của tội sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép nhưng vẫn thực hiện.

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Hình phạt đối với người phạm tội sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

Điều 305 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối cá nhân phạm tội như sau:

- Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 02 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 03 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Vụ án thực tế xét xử về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

Bản án số 75/2021/HS-ST ngày 31/8/2021 “V/v xét xử bị cáo Lò Văn Q và đồng phạm - phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” của Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.[1]

Khoảng 09 giờ ngày 20/3/2021, khi Lò Văn Q đang khai thác vàng trái phép tại bãi vàng  thuộc  bản  Mít  Thái,  xã  Pắc  Ta,  huyện  Tân  Uyên thì  gặp  một người đàn ông không rõ lai lịch, đi nhặt nẹp vàng tại bãi vàng, khi nhìn thấy Q, người đàn ông này hỏi Q có cần kíp nổ và thuốc nổ để làm vàng không? Q trả lời có, người đàn ông này nói đang có sẵn một  ít  thuốc  nổ,  kíp  và  dây  cháy  chậm, giá khoảng  3 -4  triệu đồng và bảo Q nếu chắc chắn lấy thì đến 18 giờ ngày 23/3/2021 gặp nhau tại đỉnh đèo Khau Giềng, Q đồng ý.

Đến khoảng 16 giờ ngày 23/3/2021, Q gọi điện thoại di động cho Hà Văn T nói chuyện về việc khai thác vàng trái phép, trong quá trình nói chuyện Q rủ T cùng mua thuốc nổ về làm, T đồng ý. Q nói có biết chỗ mua thuốc nổ, kíp nổ nhưng không đủ tiền và hỏi vay T 3.000.000 đồng để đi mua thuốc nổ, T đồng ý  cho Q vay và hẹn chiều tối sang lấy tiền. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi đi từ bãi vàng về đến nhà thì Q điều khiển chiếc xe mô tô biển kiểm soát 25U1-054.94 đi đến gặp T ở trước cổng nhà của T, tại đây Q hỏi về số tiền 3.000.000 đồng để đi lấy thuốc nổ, T trả lời chưa có nên Q bảo T đi vay, T nhất trí và đi lên nhà anh Lò Văn M (là hàng xóm của T) vay được số tiền 3.000.000 đồng. Sau khi vay được tiền, T đã đưa toàn bộ số tiền trên cho Q. Q nhận tiền và bảo T để Q đi trước, T đi theo sau. Sau đó Q một mình điều khiển xe môt tô đến ngã ba Khau Giềng thì rẽvào đường đi Tà Mít được khoảng 600m thì gặp người đàn ông hôm trước, thấy Q đến người đàn ông vẫy tay gọi, Q dừng xe đi vào bụi cây ven đường, người đàn ông này chỉ cho Q thấy bao tải màu vàng cam đựng chất nổvà túi nilon màu xanh bên trong chứa 70 kíp nổ cùng dây cháy chậm. Người đàn ông này nói với Q bán vo số thuốc nổ và kíp nổ trên với giá 3.200.000 đồng, Q đồng ý và đếm đủ số tiền 3.200.000 đồng trả cho người đàn ông kia, nhận tiền xong người đàn ông đi vào phía trong rừng cây rồi nhấc bao tải chứa thuốc nổ lên đặt vào giá để đồ tại vị trí phía trước yên xe mô tô của Q, còn Q cầm túi nilon đựng kíp nổ, dây cháy chậm cất vào trong cốp xe mô tô, sau đó điều khiển xe mô tô đi về hướng xã Pắc Ta, còn người đàn ông đã bán thuốc nổ cho Q đi vào rừng.

Đối với Hà Văn T, sau khi Q đi trước, T lấy xe mô tô BKS 25U1 -009.58 đi sang nhà Lò Văn Tr để rủ Tr đi cùng, khi rủ Tr, T nói “Đi với anh có việc”, không nói rõ là đi làm gì, Tr đồng ý và đi ra ngồi lên xe của T. T điều khiển xe mô tô chở Tr đi ra Quốc lộ 32 hường về trung tâm thị trấn Tân Uyên, Tr hỏi “Sao lại đi lên đường này”, T trả lời “Q bảo đi lên Bó Lun chở hộ đồ”, không nói rõ là đồ gì, Tr không hỏi gì thêm. Đến bản Bó Lun, xã Pắc Ta thì T dừng xe cùng Tr đứng chờ ở cạnh đường, quá trình đứng chờ T và Tr không trao đổi, nói chuyện gì với nhau.

Khi Lò Văn Q mua thuốc nổ về đến khu vực bản Bó Lun, xã Pắc Ta, Q lấy điện thoại gọi cho T hỏi đang ở đâu thì T trả lời “Đang ở ven đường” nghe vậy Q tiếp tục đi được một đoạn thì gặp T và Tr đang đứng đợi ở cạnh đường, cả ba cùng nhau tiếp tục đi về, đi được khoảng hơn 1km thì Q dừng xe lại, rồi nhấc bao tải chứa thuốc nổ sang xe của T, đặt bao tải ở trên yên xe giữa vị trí ngồi của T, Tr và nói để Q đi trước, T và Tr theo sau. Sau đó Q điều khiển xe mô tô đi phía trước, T điều khiển xe mô tô chở bao thuốc nổ và Tr đi phía sau. Khi đi về đến khu vực trung tâm xã Pắc Ta thì Q bị lực lượng Công an huyện Tân Uyên truy đuổi bắt giữ, phát hiện trong cốp xe mô tô của Q túi ni lông bên trong chứa 50 kíp nổ, 20 kíp điện, một cuộn dây cháy chậm. T điều khiển xe mô tô theo sau nhìn thấy Q bị lực lượng Công an chặn bắt, do sợ bị bắt nên T đã điều khiển xe mô tô quay lại, rẽ vào đường liên xã Pắc Ta -Hố Mít rồi bảo Tr vứt bao xuống, Tr không nói gì và làm theo lời T vứt bao tải chứa thuốc nổ xuống rãnh nước cạnh đường. Sau khi vứt bao thuốc nổ xong, T tiếp tục điều khiển xe mô tô chờ Tr đi ra đường Quốc lộ 32 để đi về nhà, khi đến khu vực bản Sơn Hà, xã Pắc Ta thì cả hai bị lực lượng Công an giữ lại, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên T đã chủ động khai nhận và chỉ vị trí đã vứt bao thuốc nổ.

Quá trình điều tra Lò Văn Tr khai được T rủ đi cùng để chở “đồ”, tuy nhiên T không nói rõ là chở đồ vật gì cụ thể, bản thân Tr không biết việc T và Q đi mua thuốc nổ về sử dụng. Khi được Q giao cho bảo tải chứa thuốc nổ để giữ và cùng T chở về thì Tr không biết bên trong bao tải là thuốc nổ, Tr cũng không hỏi Q và T trong bao tải chứa gì.

Tại biên bản mở niêm phong, xác định khối lượng, lấy mẫu vật giám định và niêm phong vật chứng hồi 22 giờ 30 phút ngày 23/3/2021 đã xác định: Các hạt màu trắng, hình tròn thu giữ của Lò Văn Tr, Hà Văn T có tổng khối lượng 25kg.

Hội đồng đã trích 01 kg (một ki lô gam) để gửi đi giám định.

Tại  kết  luận giám định  số: 256/GĐ-KTHS ngày 30/3/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu kết luận: “Mẫu vật gửi giảm định là thuốc nổ; loại: Thuốc nổ ANFO”.

Các bị cáo đều là người đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức đượchành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quy định quản lý của Nhà nước về vật liệu nổ, tuy nhiên các bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 305 của Bộ luật Hình sự.

Vụ án có tính chất rất nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng và trật tự quản lý độc quyền của Nhà nước về vật liệu nổ nên cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Đây là vụ án đồng phạm giản đơn. Trong vụ án này, bị cáo Lò Văn Q là người khởi xướng, đồng thời trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, do vậy phải chịu trách nhiệm với vai trò chính. Bị cáo Hà Văn Q giữ vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, do vậy cũng phải chịu trách nhiệm tương xứng với hành vi phạm tội của mình theo quy định tại Điều 17; Điều 58 Bộ luật Hình sự.

Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Lò Văn Q, Hà Văn T phạm tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ”.

- Xử phạt bị cáo Lò Văn Q 05 (năm) tù. Thời hạn  tù  tính  từ  ngày 23/03/2021.

- Xử phạt bị cáo Hà Văn T 04 (năm) tù. Thời hạn  tù  tính  từ  ngày 23/03/2021.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh


[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta795467t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 20/10/2021.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư